Ông chủ về hưu yêu cầu nhân viên đua ngựa: ngựa ai về sau được nối nghiệp và điều bất ngờ vào phút cuối

( PHUNUTODAY ) - Nếu chia thế giới thành 2 loại người: biết thay đổi và không chịu thay đổi thì người biết thay đổi sẽ có được thành công.

Vị Chủ tịch của một công ty nọ sắp nghỉ hưu. Suốt bao nhiêu năm, ông vẫn luôn kiếm tìm một người kế nhiệm đủ tài năng đưa công ty thoát khỏi khủng hoảng. Các phòng ban không ngừng tiến cử người nhưng ông vẫn chưa vừa ý. Cuối cùng, trải qua nhiều vòng thẩm định, chỉ còn lại 2 ứng cử viên tiềm năng nhất: Bắc và Nam

Ngoài năng lực chuyên môn xuất sắc, cả hai đều rất giỏi cưỡi ngựa. Một hôm, vị Chủ tịch hẹn họ đến nông trại của mình. Ở đó, ông dắt 2 con ngựa đến và nói: "Tôi biết hai cậu đều giỏi cưỡi ngựa. Ở đây có hai con ngựa tốt, tôi muốn các cậu hãy thi thố tài năng một chút. Người chiến thắng sẽ nối nghiệp tôi, ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch".

Hai người nhìn ngắm con ngựa của mình và đối phương hồi lâu. Trong lòng Bắc thầm nhủ: "Đua ngựa! Thật là hợp ý mình, đây vốn là sở trường của mình mà! Phen này chiếc ghế Chủ tịch sẽ lọt vào tay mình dễ như lấy đồ trong túi". Bắc vừa nghĩ vừa khấp khởi đợi đến lúc cuộc thi bắt đầu.

Ngay sau đó, vị Chủ tịch dõng dạc tuyên bố quy tắc cuộc thi: "Tôi muốn các cậu cưỡi ngựa chạy từ đây đến vạch đích kia, rồi quay trở về", vừa nói ông vừa chỉ vào cái cây đằng xa, cách chừng 200 mét. Chủ tịch nhấn mạnh từng từ: "Nhưng hãy nhớ, ngựa của ai đến đích chậm nhất thì người đó sẽ là Chủ tịch của nhiệm kỳ tiếp theo!".

Nghe xong, cả hai ứng viên đều vô cùng bối rối. Bắc từ trong mộng đẹp giật mình tỉnh lại, vẻ mặt đầy hoài nghi. Còn Nam cũng thực sự bất ngờ, nhất thời không biết phải xử trí ra sao.

Hai người vô cùng băn khoăn, tưởng rằng tai mình nghe nhầm. Họ gặng hỏi lại: "Đua ngựa trước giờ đều là thi xem ai nhanh hơn ai, làm gì có chuyện thi xem ai chậm hơn ai bao giờ thưa Chủ tịch?".

Dường như không để ý đến thái độ của hai nhân viên, vị Chủ tịch một lần nữa nhấn mạnh: "Cuộc đua lần này là thi xem ngựa của ai về đích chậm hơn, chứ không phải đua xem ngựa của ai về đích nhanh hơn. Các cậu hiểu cả rồi chứ?".

Thuận theo khẩu lệnh: "Chuẩn bị! Một... Hai... Ba... Bắt đầu!" của Chủ tịch, tiếng súng hiệu vang lên. Nhưng cả Bắc và Nam vẫn đứng ngây người một chỗ, chân tay lóng ngóng, không biết phải làm thế nào.

Nhưng chỉ vài phút sau, Nam như bỗng sực tỉnh ra, nhanh trí nhảy lên con ngựa của Bắc rồi ra roi thúc ngựa, phi thật nhanh về đích, bỏ lại con ngựa của mình ở chỗ cũ.

Chứng kiến sự việc, Bắc không khỏi kinh ngạc: "Cậu ta cưỡi ngựa của mình làm gì vậy nhỉ? Còn con ngựa này của Nam thì biết tính sao?". Đến khi Bắc đã nghĩ thông suốt thì đã quá muộn. Ngựa của Bắc đã bị Nam cưỡi về đến đích. Còn con ngựa của Nam thì vẫn đứng yên tại chỗ. Vậy là Bắc đã thua, thua tâm phục khẩu phục.

Khi Nam từ trên lưng ngựa nhảy xuống, Chủ tịch tiến đến bắt tay, mặt mày rạng rỡ nói: "Xin chúc mừng cậu! Cậu rất sáng tạo. Mong cậu hãy tiếp nhận chiếc ghế Chủ tịch nhiệm kỳ sau của chúng tôi. Hãy dùng tư duy ấy để đột phá khó khăn, giúp công ty vượt qua sóng gió".

Câu chuyện đua ngựa một lần nữa dạy chúng ta bài học muôn thuở: Muốn thành công, phải biết tạo nên sự khác biệt.

Bài toán mà vị Chủ tịch ra quả thật quá hóc búa, đã là đua ngựa thì sao có thể trao phần thắng cho kẻ về đích chậm hơn? Với những người vẫn còn ôm giữ cách tư duy cũ kĩ, cứng nhắc, đầu óc ông Chủ tịch chắc là "có vấn đề". Thế nhưng bạn xem, chẳng phải bằng tư duy đảo nghịch đầy sáng tạo của mình mà Nam vẫn thắng cuộc đó sao? Đề bài "nghịch" thì cũng phải cần có cách giải "nghịch" là vậy.

Thêm 1 ví dụ nữa về tư duy sáng tạo trong giải quyết vấn đề

Cách đây hàng trăm năm, tại một thị trấn nhỏ ở Italia, có một nhà buôn trong giai đoạn khó khăn đã phải vay tiền một kẻ cho vay nặng lãi, đó là một lão già nhỏ con mang vẻ ngoài vô cùng xấu xí. Đến hạn trả tiền, nhưng người thương buôn vẫn chưa thu xếp đủ để trả nợ.

Biết được nhà buôn có một cô con gái rất xinh đẹp, tên cho vay nặng lãi ngỏ ý muốn vị thương nhân này đổi con gái để trừ nợ. Chẳng cần phải nói thêm, lời đề nghị này khiến cả hai cha con thương buôn khá bối rối, vì đó là một người chỉ cần nhìn thôi cũng cảm thấy sợ rồi, nói chi đến việc kết hôn, ở đời ở kiếp.

Nhận ra sự chần chừ nơi con nợ, kẻ cho vay lập tức đề nghị một trò chơi mà theo hắn sẽ là công bằng cho cả hai: Bốc thăm may rủi. Tên chủ nợ đã lấy hai viên sỏi, một trắng, một đen cho vào một chiếc túi.

Theo ý hắn, nếu người con gái bốc được viên sỏi màu đen, khoản nợ sẽ được xoá sạch và cô ấy phải cưới hắn. Còn nếu bốc được viên sỏi màu trắng, khoản nợ vẫn được xoá, tuy nhiên cô sẽ không phải kết hôn với hắn.

Cuối cùng cô gái xinh đẹp quyết định bốc hạt theo đúng luật lệ của cuộc chơi. Tuy nhiên ngay vừa lấy ra khỏi túi, chưa kịp nhìn xem nó màu gì, cô đã “bất ngờ” làm rơi viên sỏi xuống khu vườn đầy sỏi, khiến không ai có thể nhận ra cô đã bốc được viên màu gì.

Với một kẻ thích chơi chiêu, cô gái thông minh đã chọn cách dùng “gậy ông đập lưng ông”, cô nói với tên cho thuê: “Ôi nhìn xem! Tôi thật hậu đậu mà. Nhưng không sao đâu, giờ chúng ta chỉ cần kiểm tra viên sỏi còn lại thì sẽ biết viên sỏi vừa rớt mang màu gì thôi, đúng không nào.”  Chỉ bằng một suy nghĩ phá cách, cô gái trẻ đã cứu bản thân và cả cha thoát khỏi món nợ dai dẳng, khi viên sỏi còn lại trong túi là chắn chắn là màu đen thì mặc định viên cô đánh rơi phải là màu trắng. Cô gái trẻ chiến thắng hoàn toàn thuyết phục.

Thế là lão già mưu mô lặng người chấp nhận thua cuộc, vừa phải xoá khoản nợ, vừa mất cô vợ xinh đẹp.

Tác giả: Minh Ngọc