Những độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân
Căn cứ theo Điều 21 Luật Căn cước 2023 quy định độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước như sau:
- Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
- Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước theo quy định nêu trên có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Theo quy định trên, hạn sử dụng của căn cước sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Có bốn mốc thời gian hết hạn của thẻ căn cước là đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Trong 02 năm trước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi, nếu người dân đi làm thẻ căn cước mới thì thẻ này sẽ có giá trị tiếp đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Như vậy, thẻ căn cước của công dân có thời hạn sử dụng như sau:
- Thẻ căn cước được cấp trước khi đủ 12 tuổi thì thời hạn sử dụng của thẻ là khi đủ 14 tuổi.
- Thẻ căn cước được cấp từ khi đủ 12 - 14 tuổi thì thời hạn sử dụng của thẻ là khi đủ 25 tuổi.
- Thẻ căn cước được cấp từ khi đủ 23 - 25 tuổi thì thời hạn sử dụng của thẻ là khi đủ 40 tuổi.
- Thẻ căn cước được cấp từ khi đủ 38 - 40 tuổi sẽ hết hạn vào năm 60 tuổi.
- Thẻ căn cước từ khi đủ 58 tuổi trở đi sẽ được sử dụng cho đến khi người đó chết (trừ trường hợp thẻ bị mất hoặc hư hỏng).
Trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước mới từ ngày 1/7/2024
Nghị định số 70/2024/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước và thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia.
Trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước
Nghị định quy định công dân đến cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Luật Căn cước đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.
Nghị định nêu rõ trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người tiếp nhận thực hiện việc điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định 70/2024/NĐ-CP trước khi đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Trường hợp thông tin của công dân chính xác, người tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trích xuất thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước.
Trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia
Nghị định quy định công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước.
Trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được thì lựa chọn thủ tục cấp lại, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp lại thẻ căn cước theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước.
Trường hợp người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thì lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của người dưới 06 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì người đại diện hợp pháp xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.
Nghị định nêu rõ trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.
Trường hợp công dân không đến nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký hẹn làm việc với cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì hệ thống tiếp nhận yêu cầu của công dân sẽ tự động hủy lịch hẹn công dân đã đăng ký khi hết ngày làm việc. Nếu công dân tiếp tục có nhu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì đăng ký hẹn lại.
Cơ quan quản lý căn cước tổ chức lưu động việc tiếp nhận yêu cầu cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước cho công dân Việt Nam ở trong nước và công dân Việt Nam ở nước ngoài trong điều kiện, khả năng của mình; bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Căn cước, điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tác giả: Dương Ngọc
-
10 thay đổi về thẻ căn cước công dân ai cũng cần biết để không bị mất tiền oan
-
Từ tháng 7/2024, khi làm thẻ Căn cước theo quy định mới thì có bị thu hồi căn cước công dân không?
-
Thẻ căn cước có 6 điểm khác biệt quan trọng với Căn cước công dân gắn chíp: Người dân cần biết
-
Cách dùng thẻ Căn cước công dân rút tiền tại cây ATM
-
Khách sạn, nhà nghỉ có được giữ Căn cước công dân của khách thuê hay qua đêm không?