Phần đen trên đầu tôm chứa gạch hay chứa chất thải: 99% nhầm lẫn bấy lâu nay

( PHUNUTODAY ) - Phần đầu tôm chứa gạch tôm, có giá trị dinh dưỡng cao và ăn rất ngon, có vị bùi, mùi thơm đặc trưng.

Phân biệt giữa gạch tôm và chất thải tôm

Gạch tôm là gì?

Cũng giống như loài cua, tôm cũng có phần gạch nhưng ít hơn và là phần chứa tế bào sinh dục của tôm, tập trung ở phần đầu của tôm.

Đối với tôm đực nó là hệ thống sinh tinh để duy trì nòi giống. Còn đối với tôm cái, đó là buồng trứng. Những trứng chín sẽ chuyển xuống bụng/yếm của con cái, còn trứng đã được thụ tinh sẽ được bảo vệ trong bụng con cái một thời gian trong mùa sinh sản, sau khi nở thành công sẽ được đưa ra môi trường nước bên ngoài.

Chất thải tôm là gì?

Chất thải của tôm của cũng nằm trên đầu tôm và nằm gọn trong một cái túi nhỏ như bao tử (túi sau khi luộc có vị dai dai) nối liền với ruột tôm (phần chỉ đen nằm trên sống lưng của tôm chạy dài xuống đến đuôi). Cũng như cá đồng và cá nuôi, tôm sông tự nhiên thì phần bao tử tôm rất nhỏ và cũng vì thế mà rất khó để nhận ra chất thải của tôm, nhưng tôm nuôi thì rất dễ nhìn thấy phần chất thải có màu đen hoặc xám trên đầu. Khi tôm chín, bộ phận này se cứng lại nằm tròn vo trong cái túi bao tử bé như đầu đũa nhỏ.

Vậy phần đen trên đầu tôm chứa gạch hay chứa chất thải?

Cơ thể của tôm có thành hai phần: Phần đầu và phần thân tôm. Ðầu tôm là một khoang rỗng có vỏ cứng, trong đó chứa các bộ phận chính của tôm như: hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết và hệ hô hấp...

Hệ tiêu hóa của tôm gồm 2 bộ phận: dạ dày và ruột. Dạ dày của tôm cũng nằm ngay trong khoang đầu, là nơi chứa thức ăn khi tôm kiếm mồi. Tôm là động vật ăn tạp, thức ăn của tôm khá đa dạng gồm côn trùng, tảo, ấu trùng của ký sinh trùng (giun sán), xác động vật và thực vật thối rữa.

Như vậy dạ dày của tôm chứa nhiều chất rất bẩn, trứng ký sinh trùng và vi sinh vật có hại đối với sức khỏe của con người vì vậy cần phải loại bỏ dạ dày khi ăn tôm.

Bộ phận thứ 2 của hệ tiêu hóa là ruột. Ruột là đường ống nhỏ chạy dọc ở phần phía trên lưng. Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày, sẽ được đẩy chạy dọc theo ruột và chất thải và đi ra ở lỗ mở của ruột.

Ruột tôm cũng là nơi chứa các chất bã thải thức ăn của hệ tiêu hóa. Thêm vào đó, các chất trong đường ruột nằm dọc trên lưng tôm có vị đắng. Khi ăn, vị đắng này làm giảm vị ngon của thịt tôm.

Như vậy, có thể khẳng định rằng trên toàn tuyến tiêu hóa của tôm đều chứa các chất bẩn. Cần phải loại bỏ để đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ được giá trị cảm quan của thịt tôm.

Dạ dày của tôm có màu đen nên dễ nhận dạng có thể tách ra dễ dàng khi làm sạch tôm trước khi nấu ăn.

Tuy nhiên phần đầu tôm còn chứa một bộ phận rất quý là gạch tôm. Gạch tôm có giá trị dinh dưỡng cao và ăn rất ngon, có vị bùi, mùi thơm đặc trưng của tôm. Gạch tôm nằm ngay sát vỏ đầu tôm, bên cạnh dạ dày. Khi chưa được nấu chín, gạch tôm có màu xám đen nhưng khi đã nấu chín, gạch tôm đông cứng lại và mầu nâu đỏ rất đẹp.

Nhiều người cho rằng, để loại bỏ dạ dày chứa các chất bẩn thì nên ngắt bỏ đầu tôm. Ðó là một cách làm lãng phí.

Ðầu tôm, tuy lượng thịt tôm không nhiều bằng thân tôm nhưng vẫn có lượng thịt đáng kể, thường chiếm 25 đến 30% khối lượng của đầu tôm. Thêm vào đó, trong đầu tôm còn có gạch tôm rất quý. Vì thế khi chế biến thức ăn trong gia đình nên tìm cách bóc một bên đầu tôm để bỏ dạ dày màu đen và đặt lại như cũ để giữ nguyên con tôm có đủ phần đầu và phần thân, làm cho món ăn thêm hấp dẫn và lượng thịt tôm và gạch tôm ở phần đầu vẫn được tận dụng.

Tuy nhiên, việc làm như vậy chỉ có thể áp dụng đối với những con tôm to. Những con tôm nhỏ thì cứ để nguyên phần đầu liền với phần thân. Sau khi nấu chín tôm, lúc ăn, phải bóc bỏ dạ dày ở đầu tôm và rút ruột ở phần lưng trên thân tôm để đảm bảo không ăn những chất bẩn có trong hệ tiêu hóa của tôm.

Mẹo chọn tôm tươi ngon

Với tôm đông lạnh, tránh chọn tôm có vỏ màu vàng hay cảm giác vỏ quá cứng vì có thể nó được đã ướp chất tẩy trắng.

Khi mua tôm, không gì tốt hơn chọn được tôm còn tươi sống: Đó là con tôm có thân săn chắc, vỏ cứng, màu trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu tôm phải dính chặt vào thân, râu càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn.

Tuy nhiên, nếu bạn không sống ở vùng biển và không chắc nơi mình mua tôm có đảm bảo hay không, hãy chọn mua tôm đông lạnh của các công ty chế biến hải sản uy tín. Tôm đông lạnh mua về, trữ trong ngăn đá có thể duy trì chất lượng trong vài tuần. Với tôm đông lạnh đã tan đá thì nên chế biến ngay.

Tránh mua tôm đông lạnh đã lột vỏ và lấy chỉ đen, rửa sạch trước khi đông lạnh vì quá trình này có thể làm giảm hương vị thơm ngon và độ rắn chắc của thịt tôm.

Tác giả: Vũ Ngọc