Phận đời cay đắng ít biết của Lê Công Tuấn Anh trước khi qua đời

( PHUNUTODAY ) - Lê Công Tuấn Anh (1967 – 1996) từng là một gương mặt diễn viên xuất sắc và nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt Nam thập niên 90. Giữa lúc sự nghiệp đang lên cao, tài năng đang được khẳng định thì anh tự vẫn mang theo nhiều uẩn khúc không thể giải đáp.

  • Cuộc đời cay đắng của Lê Công Tuấn Anh

Lê Công Tuấn Anh sinh ra với một tuổi thơ đầy khốn khó và lắm đắng cay. Bố mẹ bỏ nhau, ở với mẹ được một thời gian thì anh bị bỏ rơi vì mẹ tái giá trong khi con trai còn quá nhỏ.

Từ đó, Lê Công Tuấn Anh bắt đầu cuộc sống mồ côi của một đứa trẻ bụi đời, lang thang, vất vưởng trong thăm thẳm ký ức buồn tủi. Đêm đêm trên hè phố, ngày ngày nuốt nước bọt nhìn người ta ăn ngon, no say cười hả hê hạnh phúc. Khi đang làm thợ hàn, Lê Công Tuấn Anh tích cực tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng tại Nhà văn hóa quận 3 (TP. HCM).

Thời gian sau, anh thi đỗ vào đoàn kịch Kim Cương nhưng chỉ được đóng những vai phụ, cầm cờ chạy qua chạy lại trên sân khấu. Nhưng nhờ đóng phụ trong hai vở kịch gây tiếng vang là "Nhân danh công lý" và "Lôi Vũ", Lê Công Tuấn Anh được các đạo diễn điện ảnh để mắt tới.

Anh bén duyên điện ảnh năm 1989 với vai họa sĩ trong phim "Tìm vàng" của đạo diễn Lê Hoàng Xuân, sau đó là một vai nhỏ trong phim "Phạm Công Cúc Hoa" nhưng không để lại dấu ấn. Chỉ đến khi vào vai Quang "Đông Ki Sốt" trong phim "Vị đắng tình yêu" (1990), Lê Công Tuấn Anh mới thật sự tỏa sáng và trở thành diễn viên được săn đón.

  • Lê Công Tuấn Anh – Người nghệ sĩ cô đơn

Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: "Khi gặp Lê Công Tuấn Anh, tôi nhìn thấy ở cậu ấy một người nghệ sĩ. Một nghệ sĩ vô cùng cô đơn".

Trong ký ức của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Lê Công Tuấn Anh là một chàng trai đẹp trai, hiền lành, hay vui cười, nhưng bên trong sâu thẳm là một người chất chứa nỗi niềm. Ông nói: "Lê Công Tuấn Anh rất hay tâm sự. Đức tính đó rất giống người miền Bắc. Ở miền Nam, người ta hay rủ nhau nhậu nhẹt, rượu chè, ít khi tâm sự, chỉ có người Bắc hay gần gũi, tâm sự, chia sẻ với nhau. Vì thế, tôi hay rủ Lê Công ra Bắc chơi và làm việc".

Sự ra đi đột ngột của nam tài tử được xem là thần tượng của cả một thế hệ trẻ đương thời để lại quá nhiều niềm chua xót.

Đám tang anh được coi là sự kiện lớn nhất thời kỳ đó với hàng trăm nghìn người hâm mộ xếp hàng dọc đường di quan đến nơi chôn cất.

Tác giả: Đào Nguyệt Minh