Phát hiện tái nhiễm, F0 dùng ngay đơn thuốc cũ là nhanh hết virus, sớm khỏi bệnh đúng không: BS Khanh trả lời

( PHUNUTODAY ) - Khi tái nhiễm, nhiều người cho rằng cứ sử dụng đơn thuốc cũ là được, bệnh sẽ nhanh khỏi nhưng các bác sĩ không đồng tình với quan điểm này.

Hiện nay, tái nhiễm Covid-19 không phải là chuyện hiếm gặp. Nhiều người tái nhiễm ngay khi vừa khỏi bệnh được một thời gian ngắn. Có ngày thậm chí tái nhiễm đến vài ba lần.

Khi tái nhiễm, nhiều người bệnh cho rằng bản thân có kinh nghiệm và cứ việc tái sử dụng đơn thuốc bác sĩ kê lần trước để điều trị bệnh cho nhanh khỏi. Tuy nhiên, đây là quan điểm không được bác sĩ ủng hộ.

BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM) cho biết không ít F0 tái nhiễm có suy nghĩ sử dụng đơn thuốc cũ cho nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây là việc khiến các bác sĩ phải "kêu trời".

Bác sĩ cho biết, quá trình điều trị F0 lần đầu và tái nhiễm thường không liên quan nhiều đến nhau. Vì vậy, dù tái nhiễm thì vẫn được coi là một lần mắc bệnh mới. Điều trị F0 tái nhiễm như thế nào, sử dụng thuốc gì cần dựa vào tình trạng thực tế của từng người. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ.

Bên cạnh đó, bác sĩ cho biết nếu đã tiêm vắc xin đầy đủ và chẳng may tái nhiễm, người bệnh có thể yên tâm là sẽ bị nhẹ hơn lần đầu. Nhất là các trường hợp lần đầu nhiễm bệnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 3 mũi vắc xin. Trong trường hợp này, việc sử dụng lại đơn thuốc cũ có thể sẽ quá nặng, không cần thiết và hại sức khỏe hơn.

Vì vậy, lời khuyên của bác sĩ đưa ra khi F0 bị tái nhiễm là mắc triệu chứng nào thì điều trị theo triệu chứng đó. Có thể một số thuốc vẫn trùng lại đơn cũ nhưng không có nghĩa là F0 cân dùng lại toàn bộ đơn thuốc cũ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, nên điều trị theo nguy cơ của người nhiễm. Người bệnh có thể điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir và điều trị theo triệu chứng, nghĩa là ho thì dùng thuốc ho, sốt thì dùng thuốc hạ sốt.

Để tránh tình trạng chuyển biến xấu, người bệnh không nên nghe theo những lời hướng dẫn điều trị từ bên ngoài, nghe lời truyền tai hay mách bảo trên mạng xã hội...

Người bệnh chú trọng vào chế độ dinh dưỡng đầy đủ, phù hợp, có thể uống các loại vitamin; uống nhiều nước; nghỉ ngơi đầy đủ; vận đồng nghẹ nhàng. Nếu có dấu hiệu chuyển nặng, F0 cần liên hệ ngay với y tế để được điều trị kịp thời.

Tác giả: Thanh Huyền