Phát hiện 'thần dược' có trong 1 loại rau chống được 6 chủng Côvy: Bao gồm cả Omicron và Delta

( PHUNUTODAY ) - Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại hoạt chất có trong rau, giúp chống lại được tới 6 chủng Covid.

Một nghiên cứu vừa công bố trên Communication Biology đã chỉ ra rằng sulforaphane, một hóa chất nguồn gốc thực vật với tiền chất dồi dào trong bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn, cải Brussels... có tiềm năng lớn trong việc tạo ra một loại thuốc chống lại SARS-Cov-2 và cả các virus corona khác.

Trong một thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của Đại học Y khoa John Hopkins đã cho tế bào tiếp xúc với sulforaphane trong 1-2 giờ trước khi bị lây nhiễm chủ động SARS-CoV-2, và một virus gây cảm lạnh thông thường là HCoV-OC43.

Theo Medical Xpress, các tác giả ghi nhận nồng độ vi mô của sulforaphane 2,4 µM cũng đủ để làm giảm đến 50% sự sao chép của 6 chủng SARS-CoV-2, bao gồm Omicron và Delta, cũng như cần 31 µM để giảm 50% sự sao chép của HCoV-OC43.

Các tác giả cũng kiểm tra tác dụng của nó khi kết hợp với thuốc kháng virus Remdesivir. Bản thân Remdesivir cũng ức chế 50% sự sao chép của SARS-CoV-2 và HCoV-OC43 ở liều lần lượt là là 4µM và 22µM.

Nếu 2 chất này được sử dụng cùng nhau, chỉ cần lần lượt 1,6 µM sulforaphane và 0,5 µM Remdesivir để giảm được 50% gánh nặng virus cho các tế bào nhiễm SARS-CoV-2. Với HCoV-OC43, liều cần thiết là 3,2 µM sulforaphane kết hợp với 3,2 µM Remdesivir. Tức liều lượng cả 2 thấp hơn rất nhiều để đi đến hiệu quả tương đương.

Trong thí nghiệm trên chuột, việc cho mỗi con uống 30 mg sulforaphane trên mỗi kg trọng lượng giúp giảm đáng kể việc sụt cân khi mắc bệnh (giảm 7,5%), giảm tải lượng virus trong phổi 17% và trong đường hô hấp trên 9%, giảm nguy cơ tổn thương phổi 29% ở những chủng có nguy cơ gây tổn thương phổi.

Đồng thời, sulforaphane còn giúp giảm tình trạng viêm ở phổi, bảo vệ các tế bào khỏi phản ứng miễn dịch quá mức, vốn là một trong những yếu tố thúc đẩy tử vong ở bệnh nhân Covid-19.

"Nếu các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo tiếp tục thành công, đây sẽ là một tin mừng bởi chất có nguồn gốc thực vật này dễ tìm, đã sẵn có trên thị trường, ít tốn kém và an toàn" - Phó giáo sư Lori Jones-Brando từ Đại học Y khoa John Hopkins, tác giả chính của nghiên cứu nói.

Tác giả: Thạch Thảo