Phụ huynh tranh cãi cách dạy con vào lớp 1: Đòn roi tạo kỷ luật hay mềm mỏng để vào nếp?

( PHUNUTODAY ) - Khi trẻ vào lớp 1, nhiều phụ huynh cảm thấy "phát điên" vì con mình lười học và thậm chí là sợ học. Có trẻ biểu hiện rõ sự chống đối, có trẻ lại khóc mếu khi bị bố mẹ mắng. Vậy làm cách nào để việc học của trẻ đi vào nề nếp?

Không phải vô cớ mà thời điểm con trẻ bước vào lớp 1 khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy sợ hãi. Người lớn khổ sở vì con mình không tự giác học, đi học lại bị cô nhắc là chậm so với các bạn cùng lớp... khiến họ muốn con mình phải học giỏi ngay lập tức, ngày nào cũng được cô giáo khen.

Ngay sau buổi lễ khai giảng, nhiều bậc phụ huynh kêu trời vì vấn đề làm sao để con tự giác học. Trên khắp các diễn đàn làm cha mẹ, hội chị em... không khó để bắt gặp các bài chia sẻ dài cả trang vì vấn đề "con khó bảo" của nhiều người.

 Một trong số những bài viết được nhiều người quan tâm và chia sẻ ý kiến

Nhiều người cho biết, họ vô cùng sốt ruột và đôi khi là cả bất lực vì con mình luôn trốn tránh việc học. Câu chuyện ăn xong cơm tối, con chạy khắp nhà, con nài nỉ xem ti vi một chút, thậm chí là con khóc mếu máo chỉ vì bố mẹ bắt ngồi vào bàn học không còn là chuyện hiếm.

Người lớn cho rằng mình khổ vì con không chịu nghe lời. Uốn cây phải uốn từ lúc còn non, để trẻ yêu học phải nuôi hứng thú từ lớp 1. Thế nên nhiều gia đình đã áp dụng đủ mọi biện pháp: từ mềm mỏng khuyên con đến nịnh con chăm học, rồi đến doạ con học dốt sẽ không có bạn chơi, cuối cùng phương án tối ưu của sự bất lực là mắng mỏ và đòn roi.

Nhưng thử nghĩ mà xem, trẻ nhỏ còn khổ hơn vì chúng là người bị ép học. Vừa rời khỏi môi trường mẫu giáo "chơi là chính", việc bắt nhịp với guồng quay này quả thực là điều khó nhằn với chúng. Bởi vậy trẻ mới nảy sinh tâm lý sợ học, từ đó trở nên lỳ khi bị bố mẹ mắng quá nhiều.

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ về vấn đề dạy con học sao cho đúng, nhiều phụ huynh đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu của mình.

Cũng có con đang học lớp 1, chị Lê Duyên cho rằng bé đang chuyển từ chơi sang học nên mới có dấu hiệu chống đối.

"Con mình bướng lắm nhưng điều quan trọng là lúc này cha mẹ không được nổi nóng với con. Phải thật kiên trì, học cùng con, chơi cùng con, đừng ép con, tạo cho con 1 niềm hứng thú khi vào học. Thi thoảng khích lệ con, thưởng cho con nếu con làm tốt, khen những việc con làm đúng. Dần dần bé sẽ quen và thích nghi với môi trường mới thôi.

Tuyệt đối đừng đánh con, đừng áp đặt cho con, đừng ép con, sẽ làm cho bé lỳ hơn. Nhìn con nhà hàng xóm mà thèm thì cũng đừng so sánh với con nhà mình nhé, bé sẽ tự ti đấy".

Ảnh minh hoạ

Anh Ngọc Tuấn nêu rõ quan điểm "Đánh đấm không giải quyết được vấn đề gì hết!". Theo ông bố này thì việc dạy con phải cực kì nhẫn nại mới có hiệu quả.

"Trước hết, bạn phải tạo hứng học cho bé, để bé không còn sợ khi nhắc tới chữ "HỌC" nữa. Sau đó, hãy học cùng bé, tìm những ví mụ minh hoạ gần gũi hay câu chuyện liên quan đến bài học để bé dễ hiểu hơn. Nếu bé trả lời đúng, hãy khen và nuôi tinh thần cho bé. Còn bé trả lời sai, bạn phải động viên để bé cố gắng, nếu không bé sẽ sợ sai và chán học.

Đây là những bước đi đầu đời của bé nên phải dạy dỗ từ từ và kiên trì, đi từ cái dễ đến cái khó. Nghiêm cấm không được đánh bé. Ở trường các bé đã bị cô nhắc nhở, về nhà lại bị đánh nữa dễ gây ra khủng hoảng tinh thần".

Đồng ý quan điểm trên, chị An Nhiên cũng cho rằng việc đánh con sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Bằng kinh nghiệm của bản thân, chị thấy rằng sử dụng lời nói nhẹ nhàng, động viên và đôi lúc nịnh con rất hiệu quả.  

 

 

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng đôi khi giáo dục cần phải có đòn roi. Với những trẻ quá mè nheo hay lỳ, phải cứng rắn để trẻ sợ mà đi vào khuôn khổ.

Ảnh minh hoạ

Chị Thuỳ Dương cho rằng việc đánh trẻ để dạy dỗ khác với hành hung trẻ. Trẻ con thường hay nhõng nhẽo, nếu cứ nịnh mãi trẻ sẽ sinh tính mè nheo. Một lần "ăn roi" sẽ khiến trẻ hiểu là mình làm sai, sợ bị đánh nên lần sau sẽ không tái diễn.

 

Mỗi đứa trẻ cần có thời gian để thích nghi và hoà nhập, bởi bước chân vào lớp 1 là bước vào một môi trường hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm với chúng. Cha mẹ dù lo lắng, quan tâm, sốt ruột cũng chỉ nên đóng vai người đồng hành, hỗ trợ cho con, chứ đừng cố ép con cái thỏa mãn nguyện vọng của mình. 

Tác giả: Huệ Anh