Phục vụ vô tình làm bẩn chiếc túi đắt tiền của người mẹ, cô con gái nói 1 câu khiến mẹ "ngã ngửa"

( PHUNUTODAY ) - Thiện ý là thứ lan tỏa nhanh nhất và rộng nhất, chỉ cần có thiện ý, con người sống với nhau sẽ thật nhẹ nhàng hạnh phúc.

Một lần nọ đi ăn ở nhà hàng, có một nữ phục vụ trẻ tuổi phụ trách lên món cho chúng tôi.

Khi nữ phục vụ dọn món cá hấp lên, đĩa bị nghiêng, nước cá thấm xuống dưới và rơi lên chiếc túi xách hàng hiệu của tôi. Tôi đứng phắt dậy và nhìn cô ấy đầy phẫn nộ…

Thế nhưng, tôi còn chưa kịp nổi nóng thì con gái yêu của tôi đã đứng bật dậy, bước nhanh đến bên cạnh nữ phục vụ, vỗ vỗ vai cô ấy và nói: “Chuyện nhỏ thôi, không sao cả”.

Cô phục vụ bị hốt hoảng, lóng ngóng nhìn túi xách của tôi, ấp úng nói: “Tôi, tôi đi lấy khăn lau…”

Không ngờ con gái tôi lại nói: “Không sao đâu, về nhà giặt là sạch thôi. Cô cứ đi làm việc đi, thật sự không sao đâu, cô đừng lo”.

Giọng con bé nhỏ nhẹ như thể người làm sai là mình vậy.

Tôi nhìn con gái và cảm thấy mình hệt như một quả bóng khí, quả bóng quá căng sắp phát nổ mà lại không nổ được, rất khó chịu.

Con gái bình tĩnh nhìn tôi, dưới ánh đèn trong nhà hàng, tôi nhìn thấy rõ trong đôi mắt to tròn của con bé long lanh nước mắt.

Tối hôm đó, hai mẹ con tôi cùng nằm trên giường, con gái đã kể cho tôi nghe về việc xảy ra vào 3 năm học ở London…

Để luyện tập tính tự lập của con, tôi và chồng không để con về nhà vào kì nghỉ mà muốn con tự “khoác balo lên và đi” với hy vọng con được trải nghiệm việc làm thêm ở Anh. Vì vậy, cô con gái cưng vốn không phải làm gì khi ở nhà nay đành lựa chọn làm nhân viên phục vụ để trải nghiệm cuộc sống.

Ngày đầu tiên đi làm, con bé đã gặp rắc rối.

Khi rót rượu, con bé bất cẩn làm đổ rượu vang đỏ lên trang phục màu trắng của khách, vô cùng “nổi bật”.

“Mẹ biết không, vào lúc đó, con thật sự cảm giác như rơi vào địa ngục”, giọng của con bé vẫn còn thoáng hồi hộp.

Con bé cứ tưởng rằng khách hàng sẽ nổi giận, không ngờ vị khách kia ngược lại còn an ủi rằng: “Không sao đâu, rượu thôi mà, giặt là ra”.

Người khách vừa nói vừa đứng dậy nhẹ nhàng vỗ vai con bé, sau đó đi vào nhà vệ sinh để rửa.

Giọng của con gái tôi đầy cảm xúc khi kể lại: “Mẹ ơi, người khác đã có thể tha thứ cho lỗi lầm của con, mẹ cứ xem những người mắc lỗi khác là con gái của mẹ và tha thứ cho họ nhé!”

Vì sao cổ nhân nói: ‘Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng’?

Cổ nhân có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, mới hay Thiện – ác đâu chỉ là một cơn “ấm” – “lạnh”. Lời nói cũng không phải “gió bay”, nếu ai đó quen buông lời thị phi, gièm pha hay ác ý thì chính là tự mình tạo nghiệp, về sau ắt chịu hậu họa khôn lường.

Thiên lý xưa nay có nhân có quả, vậy nên: ‘Gieo nhân nào thì gặt quả nấy’. Khi ta nói cũng chính là đang “gieo nhân” vậy hãy nói sao để cả người nói và người nghe đều nhận về ‘quả thiện’.

Dân gian vẫn thường khuyên nhủ nhau: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hành vi “uốn lưỡi” trước khi nói ấy không phải là bảo người ta cần khôn khéo hơn người, càng không phải là cổ xúy cho những lời ‘đầu môi chót lưỡi’, ‘mật ngọt chết ruồi’… đó chính là cảnh tỉnh thế nhân cần thận trọng cân nhắc và có trách nhiệm với mỗi lời nói của chính mình sao cho Chân, sao cho Thiện, sao cho Nhẫn để người nghe cũng được cảm hóa mà thấy ấm lòng, người nói cũng không bị tổn hao uy đức, nếu làm được như vậy thì quả thực đáng quý lắm thay! 

Người xưa có câu “Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người”, vậy nên lời ăn tiếng nói là điều mà chúng ta phải thực sự lưu tâm chú ý trong cuộc sống

Thành công, hạnh phúc hay thất bại, khổ đau nhiều khi cũng đến từ chính cái miệng mà ra. Để có một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, hãy học cách ăn nói hòa nhã và lịch sự. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực hiện được điều này đòi hỏi phải tu dưỡng rèn luyện và có những cái nhìn đúng đắn về “tu khẩu”.

Sau đây chúng ta sẽ cùng đến với những lời khuyên mà người xưa đã dạy.

Khi nói bất kể một điều gì, bạn nên nói ngắn gọn, dễ hiểu để người nghe không cảm thấy khó chịu. Người xưa có câu: “Nói dài, nói dai thành ra nói dại”. Chúng ta chỉ nên diễn đạt đủ ý, nói năng điềm đạm, rõ ràng là được.

Có một câu chuyện kể về nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain. Một lần, Mark Twain nghe bài thuyết giảng của mục sư tại nhà thờ. Ban đầu, ông rất cảm động trước với bài diễn văn, còn dự định sẽ lấy một khoản tiền lớn để quyên tặng nhà thờ. Nhưng sau vài phút, vị mục sư vẫn tiếp tục nói, còn Mark Twain cảm thấy bắt đầu nhàm chán và quyết định giảm số tiền này xuống một nửa. Sau 10 phút, khi vị mục sư trên bục vẫn đang huyên thuyên không ngừng, Mark Twain cảm thấy không chịu nổi nữa, ông quyết định sẽ không quyên tặng tiền nữa.

Trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản tác dụng.

Vì vậy, trong cuộc sống không nên nói quá nhiều, những người trí tuệ sẽ chỉ nói những lời thích hợp trong những lúc phù hợp.

Tác giả: Minh Ngọc