Rằm làm mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là các hướng dẫn cụ thể về cách chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngày rằm tháng 7.

Cách chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật

Đậu phụ sốt rau củ

Nguyên liệu:

Chỉ mất khoảng 15 phút chế biến bạn đã có ngay món đậu phụ sốt rau củ rồi.

- 2 miếng đậu phụ non

- 100g cà rốt

- 30g đậu cô-ve

- 30g nấm đông cô tươi

- 30g măng tây

- 30g ngô hạt

- 1 nhánh cần tây

- 1 thìa súp xì dầu

- 1 thìa súp tương ngọt

- 1 thìa súp nước dùng

- 1,5 thìa cà-phê hạt nêm chay

- 1 thìa cà-phê đường

- Dầu ăn

Cách làm:

- Đậu phụ để nguyên miếng, rửa nhẹ tay dưới vòi nước sạch,  để món ăn trông hấp dẫn, bạn dùng dao răng cưa thái một lớp mỏng ở bốn cạnh của bìa đậu phụ. sau đó để ráo, rắc 1/2 thìa cà-phê hạt nêm chay lên 2 mặt đậu.

- Măng tây bỏ phần gốc già, tước xơ phần gần gốc, rửa sạch, thái khúc cỡ 1cm. Đậu cô-ve rửa sạch, thái khúc bằng măng tây.

- Cà-rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông 1x1cm.

- Nấm đông cô tươi rửa sạch, thái nhỏ bằng cà-rốt. Ngô hạt rửa sạch.

- Cần tây rửa sạch, để ráo, thái nhỏ.

- Làm sốt: Đun nóng dầu, cho lần lượt cà-rốt, đậu cô-ve, cần tây, măng tây, nấm đông cô, ngô hạt vào đảo chín. Kế tiếp, nêm tương ngọt, xì dầu, nước dùng, hạt nêm chay và đường vào, đun sánh lại.

- Đậu phụ hấp nóng rồi dọn ra đĩa, rưới sốt nóng lên. Trang trí với cần tây. Thưởng thức nóng.

Chỉ mất khoảng 15 phút chế biến bạn đã có ngay món đậu phụ sốt rau củ rồi.

Nem chay rán

Nguyên liệu:

Nem chay rán vừa dễ làm mà lại đẹp mắt.

- Bánh đa nem 

- ½ cái bắp cải cỡ vừa thái sợi 

- Miến (ngâm 7 phút cho mềm) 

- ½ củ hành tây thái mỏng, 1 củ cà rốt

- 2 tép tỏi 

- 2 thìa canh xì dầu 

- Muối, tiêu 

- Trứng để làm chất kết dính (một số công thức đồ chay không sử dụng trứng, vì vậy bạn có thể bỏ qua nguyên liệu này) 

- Dầu thực vật

Cách làm:

- Cho 4 thìa canh dầu thực vật vào chảo, đặt lên bếp lửa vừa. 

- Phi thơm hành và tỏi. 

- Thái cà rốt, bắp cải thành sợi dài. 

- Đảo cà rốt, bắp cải trên bếp, sau đó cho thêm miến vào. 

- Nêm thêm xì dầu và ½ thìa muối, tiêu. 

- Xào tới khi mềm. Sau đó lấy các nguyên liệu trên chảo ra, dùng kéo cắt thành sợi nhỏ. Trộn đều một lần nữa. 

- Cho 2 thìa nguyên liệu làm nem vào lòng bánh đa nem và cuốn chặt tay. Chiên nem trên lửa vừa cho đến khi miếng nem vàng.

Chả đậu phụ lá lốt

Nguyên liệu: 

- Lá lốt

- Đậu phụ

- Nấm hương

- Hành khô băm nhỏ

Cách làm:

- Đậu phụ ép hoặc nghiền nhuyễn 

- Lá lốt chọn lá to, ít rách, rửa sạch và để ráo nước. 

- Nấm hương ngâm với nước ấm rồi rửa sạch, băm nhỏ 

- Trộn tất cả nguyên liệu, cùng hành khô xay nhuyễn, thêm muối. 

- Dùng lá lốt bọc các nguyên liệu như chả lá lốt thịt bình thường, chiên trên lửa vừa cho chả chín vàng.

- Món này có thể chấm cùng xì dầu thêm vài lát ớt.

Cải chíp sốt nấm

Nguyên liệu:

- Rau cải chíp 

- Dầu hào 

- Dầu mè 

- Nấm hương

Cách làm:

- Rau cải chíp lựa cây to, chắc, rửa sạch, chẻ làm đôi dọc theo thân cây. 

- Nấm hương rửa sạch, ngâm trong nước sôi cho mềm. 

- Cải chíp luộc vừa chín tới thì vớt ra rổ, tách cho từng cọng cải không ấp vào nhau để cọng rau được xanh. 

- Cho dầu mè vào chảo đun nóng rồi cho tiếp dầu hào dùng đũa khấy đều để hỗn hợp hòa vào nhau, tiếp đến cho thêm 2 thìa nước ngâm nấm, chờ sôi lại thì cho những cánh nấm đã ngâm mềm vào chảo dầu hào đang sôi.

- Nấm chín, cho cải vào chảo dầu hào, trộn đều rồi xếp rã đĩa, bày nấm lên trên. 

(Món rau này không cần nêm chút gia vị nào nữa cả vì bản thân dầu hào đã rất mặn, phải chế thêm nước nấm vào để giảm bớt vị mặn).

Canh nấm nấu chay

Nguyên liệu:

- Nấm rơm: ½ gói (100g)

- Nấm đông cô tươi: ½ gói (100g)

- Đậu Hà Lan: 1 ít

- Đậu phụ: 2 cái

- Cà rốt: ½ củ

- Hành, mùi

- Dầu đậu nành, bột canh, bột nêm, mì chính.

Cách làm:

Bước 1: Cà rốt gọt vỏ tỉa hoa, đậu Hà Lan nhặt tước xơ, nấm cắt bỏ chân rửa sạch để ráo, đậu phụ thái miếng vừa ăn.

Bước 2: Hành, mùi cắt bỏ rễ rửa sạch thái khúc.

Bước 3: Phi thơm hành khô với chút dầu đậu nành. Thêm cà rốt vào xào sơ. Chế phần nước vừa ăn vào nồi đun sôi.

Bước 4: Khi canh sôi thì tùy theo độ chín tới của các loại rau cho loại nào vào trước nhé. Canh sôi thả đậu phụ cùng nấm đông cô vào trước tiếp đến cho đậu Hà Lan đun sôi lần nữa. Thêm gia vị vừa miệng.

Bước 5: Khi canh sôi cho nấm rơm vào đun tiếp khoảng 1-2 phút. Thêm hành hoa, rau mùi. Nêm chút mì chính và tắt bếp, cho canh nấm chay ra bát bát.

Không khó để có một bát canh nấm chay phải không nào?

Cách chuẩn bị mâm cỗ mặn cúng gia tiên

Gà luộc

Trước tiên để có món gà luộc ngon bạn cần phải biết cách chọn gà ngon.

Trước tiên để có món gà luộc ngon bạn cần phải biết cách chọn gà ngon. Chính vì thế bạn nên tham khảo cách chọn mua gà để có thể mua được thực phẩm ngon, giúp món ăn chế biến được hấp dẫn hơn.

Bắt đầu luộc gà

– Không được đổ nước nóng hoặc nước sôi vào gà ngay. Nhiều người có thói quen đun nồi nước thật sôi rồi mới thả gà vào, nhưng làm vậy sẽ khiến da gà bị bong tuột, nhìn xấu, vì thế tốt nhất phải lấy nước nguội đổ vào cho ngập gà rồi mới bắt đầu luộc sẽ đẹp hơn.

– Tùy vào gà to hay nhỏ, béo hay gầy, có già không thì thời gian luộc là tương đối khác nhau. Tuy nhiên luộc nhanh trung bình thì mất khoảng 30 phút.

– Trong quá trình luộc gà tốt nhất là để lửa nhỏ, nếu nước sôi sung sục sẽ khiến gà chín nhanh nhưng không được ngọt mềm, và khi lửa quá to sẽ dễ làm phần thịt ở đùi gà bi co lên rất xấu và là tối kị đối với các loại gà luộc để cúng vì phải yêu cầu hình thức đẹp. Khi thấy nước sôi tầm 5 phút bạn nên vặn nhỏ lửa và đun thêm khoảng thêm 15 phút, để gà mới có thể chín vàng đều và da vàng óng, bạn có thể dùng tăm nhỏ chọc vào phần đùi gà, nếu không thấy nước đỏ chảy ra là gà chín. Khi bắc xuống bếp vẫn nên đậy kín vung trong khoảng 20 phút.

Sau khi gà luộc chín

– Khi vớt gà ra bạn nên cho ngay vào nồi nước lạnh hoặc cho vào rổ inox rồi xối nước lạnh trực tiếp lên, sờ cho đến khi da gà nguội hẳn mới vớt hẳn ra hoặc không xối nước lên nữa nếu không da gà sẽ dễ bị thâm và khô.

– Giã nát củ nghệ rồi vắt lấy nước trộn mỡ gà dã thắng. Khi thấy gà đã ráo nước thì quét một lớp hỗn hợp này dàn đều lên phần da gà khi đã ráo nước. Đảm bảo gà luộc sẽ trông thật bóng bẩy và căng mượt nhìn thật hấp dẫn. Bây giờ bạn chỉ cần chọn đĩa phù hợp rồi bày lên thôi.

Miến xào lòng gà

Nguyên liệu:

- Lòng gà: 2 bộ

- Miến: 200 g

- Cà rốt: 1 củ

- Giá đỗ: 1 ít

- Nấm hương: 5 tai

- Mộc nhĩ: 3 tai

- Rau dăm, hành hoa

- Hành khô, dầu ăn, bột nêm, hạt tiêu, mỳ chính.

Cách làm:

- Lòng gà rửa sạch, thái miếng vừa ăn, ướp lòng gà với ½ thìa bột nêm, hành khô băm nhỏ.

- Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở rửa sạch, thái sợi; cà rốt gọt vỏ bào sợi; hành hoa, rau dăm rửa sạch cắt nhỏ, giá đỗ rửa sạch để ráo.

- Phi thơm hành với dầu cho lòng gà vào xào chín, cho nấm hương, mộc nhĩ vào xào cùng, thêm 1 thìa nhỏ bột nêm.

- Miến ngâm nước lạnh, cắt làm 3-4 đoạn nhỏ.

- Khi lòng gà xào chín cho tiếp miến vào xào. Xào với lửa lớn. Thêm gia vị vừa miệng.

- Cho tiếp cà rốt vào đảo thật nhanh.

- Cuối cùng là giá đỗ, ít hành hoa rau dăm.

- Thêm ít mỳ chính, hạt tiêu nếu thích rồi tắt bếp.

Canh măng móng giò

Nguyên liệu:

- 300g măng khô

- 1 cái móng giò

- Gia vị các loại:

Cách làm: 

Măng khô các bạn hãy ngâm nước trước khoảng 3 ngày, mỗi ngày thay nước 1 lần. Tiếp đến, các bạn cho măng vào luộc, bỏ ra thái miếng và ướp chung với gia vị.

Sau đó, các bạn cho măng vào xào, cho nước, móng giò hầm đến khi chín nhừ. Khi ăn, bạn hãy múc canh ra bát, cho hành chần lên trên là hoàn thành món ăn cổ truyền không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Rằm.

Giò thủ (Giò mỡ)

Nguyên liệu:

Giò là món phố biến trong mâm cỗ.

- 2 cái tai lợn

- 2 cái lưỡi lợn

- 2 cái chân giò (bỏ xương)

- 2,5 thìa canh nước mắm

- 1 thìa đường

- 2 tép tỏi băm

- 2 nhánh hẹ băm

- 2 thìa canh tiêu đen đập vụn

- 1 nắm mộc nhĩ ngâm nước ½ giờ và để ráo

- Dầu ăn

- 2 – 3 khuôn giò hình trụ

Cách làm:

- Ngâm tai, lưỡi, chân giò sau đó cho vào nồi to luộc 45 phút, tới khi tai lợn mềm nhưng vẫn đủ độ giòn.

- Vớt ra và ngâm vào nước lạnh cho nguội và để thịt không bị đen.

- Thái mỏng tai lợn. Dùng dao cạo sạch lưỡi lợn và thái miếng mỏng. Lọc bỏ xương ở chân giò rồi thái chân giò thành từng miếng nhỏ.

- Trong một chảo chống dính lớn, đổ 1 thìa canh dầu ăn vào, đun nóng rồi phi tỏi, hẹ thơm. Sau đó cho tai lợn, lưỡi lợn và chân giò vào xào. Thêm tiêu, đường, nước mắm và mộc nhĩ. Xào khoảng 10 phút.

- Lót nylon vào đáy khuôn hình trụ. Sau đó, nhồi thật chặt tay phần nguyên liệu vừa sơ chế vào khuôn. Nếu có thể, đặt một vật nặng phía trên để nén chặt giò xào bên trong.

- Khi nguội hẳn, giò xào sẽ được nén chặt bên trong khuôn và bạn chỉ việc lấy ra, thái và thưởng thức.

Món giò thủ này sẽ bớt ngấy nếu được ăn cùng dưa hành hoặc dưa góp.

>Bài văn khấn cúng Rằm tháng Bảy đầy đủ nhất ai cũng nên biết
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Cúng Rằm tháng 7 là một truyền thống lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, cách cúng và khấn Rằm tháng 7 sao cho đúng thì ít người biết.
>Rằm tháng 7 lau dọn bàn thờ cần chú ý điều gì?
(Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Rằm tháng 7, nhiều gia đình Việt vẫn sắp xếp, lau dọn bàn thờ sạch sẽ, thanh tịnh. Vậy khi lau cần chú ý những điều gì?

>

Cách nấu xôi đậu xanh dẻo ngon cúng rằm tháng 7 (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Xôi là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng của người Việt, món xôi đậu xanh thơm dẻo là gợi ý hấp dẫn cho ngày rằm tháng 7.

Tác giả: Nguyễn Trà Mi