Rán đậu chớ cho ngay vào chảo, làm thêm 2 bước đậu vàng giòn tan, không bị nát

( PHUNUTODAY ) - Đậu rán là món ăn quen thuộc nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa biết cách rán đậu, làm đậu vỡ nát, sát chảo, không vàng giòn.

Đậu phụ là món ăn rẻ tiền được nhiều người yêu thích. Đậu phụ có thể ăn trực tiếp, chiên, rán, sốt... hoặc kết hợp với nhiều nguyên liệu khác nhau để cho ra những món ăn hấp dẫn. Một trong những phương pháp quen thuộc mà nhiều người thích nhất khi chế biến đậu phụ đó là rán.

Đậu rán giản dị, không cầu kỳ nhưng chấm cùng nước tương hoặc nước mắm chua cay mặn ngọt lại trở thành món ăn thơm ngon khó cưỡng. Từng miếng đậu phụ rán với lớp vỏ vàng giòn, bên trong mềm ẩm, bùi béo, quyện với nước chấm được pha vừa miệng thì chỉ ăn với cơm trắng cũng thấy ngon.

Đậu rán quen thuộc là vậy nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa biết cách rán đậu, làm đậu vỡ nát, sát chảo, không vàng giòn.

Theo tiết lộ của đầu bếp, sai lầm là do nhiều người thường cắt đậu xong cho vào rán luôn với chảo thường, khiến miếng đậu bị sát chảo. Muốn rán đậu ngon, đừng cho vào chảo ngay mà cần thêm 2 bước nữa. Cụ thể, các bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây:

Nguyên liệu:

- Đậu phụ, muối, dầu ăn (Lưu ý, muốn rán đậu giòn ngon thì phải chọn đậu phụ săn chắc)

Cách chế biến:

Khi rán đậu, cần nhớ 2 bước:

- Thứ nhất là thấm khô đậu:

Đậu phụ mua về, rửa sạch. Rửa xong dùng khăn giấy loại dai thấm khô nước trên bề mặt đậu phụ rồi thái miếng vừa ăn. Việc này hạn chế tình trạng bắn dầu trong quá trình rán và giúp đậu khi rán không bị dính chảo. Hơn nữa đậu khô thì cũng sẽ giòn hơn.

- Thứ hai là rắc muối vào chảo

Sau khi đổ dầu vào chảo, bạn đừng cho luôn đậu vào rán mà hãy rắc một ít muối vào chảo dầu sau đó mới tiến hành rán để đậu phụ không bị nát và dính chảo.

Một mẹo khác là làm nóng chảo, cho muối hạt vào rang và đảo đều lên thành chảo sau đó đổ bỏ muối đi rồi cho dầu vào và chiên đậu như bình thường. Ngoài việc ngăn dầu bắn tung tóe, muối còn có chức năng khử độc tố tạo ra khi dầu bị đun ở nhiệt độ cao.

Một lưu ý nữa là dầu chiên phải nóng già và chiên ngập dầu. Muốn đậu có lớp vỏ vàng giòn, bên trong mềm thì phải chiên đủ dầu. Nếu dùng ít dầu, đậu lâu chín hơn, hơn nữa khi dùng ít dầu, dầu sẽ ngấm ngược vào bên trong đậu, sẽ không ngon.

Tốt nhất là đổ dầu ngập khoanh đậu, chiên chín vàng ở lửa vừa thì vớt ra và để ráo. Khi mới thả đậu vào, không nên đảo hoặc lật đậu ngay, đợi đậu vàng một mặt mới lật mặt kia rán tiếp vì đậu phụ rất dễ vỡ. Sau khi chiên vàng giòn đều hai mặt thì bạn cho đậu ra đĩa và thưởng thức nóng.

Những người không nên ăn đậu phụ

Người lớn tuổi và người mắc bệnh thận

Người cao tuổi nếu gặp các vấn đề về tiêu hóa hay thận, không nên ăn quá nhiều đậu phụ, mặc dầu mềm, dễ ăn nhưng chúng lại không tốt cho sức khỏe người già.

Vừa khiến hệ tiêu hóa hoạt động ì ạch do quá tải vừa khiến thận suy yếu do chất thải nito dư thừa bên trong thận.

Người thiếu máu, người mắc bệnh tiêu hóa

Quá trình hấp thụ sắt bị rối loạn trầm trọng bởi hàm lượng protein trong đậu phụ, vì thế, người thiếu máu không nên thêm đậu phụ trong thực đơn dinh dưỡng hằng ngày.

Ngoài ra, nếu bạn không muốn triệu chứng đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng thêm trầm trọng cũng không nên ăn đậu phụ.

Người thiếu i-ốt

Người thiếu i-ốt tuyệt đối nói không với thực phẩm làm từ đậu phụ, saponin trong đậu phụ sẽ làm giảm quá trình hấp thu i-ốt trong thân thể, từ đó, gián tiếp làm tình trạng của người bệnh thêm trầm trọng.

Người bị bệnh gút

Trong chế độ dinh dưỡng của người bị gút thường được khuyên là không nên ăn quá nhiều đạm.

Trong khi đó, đậu phụ lại là nguồn giàu đạm thực vật, putin, nếu không biết mà sử dụng, hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, khiến các cơn đau ngày càng trầm trọng hơn.

Tiêu chảy do lạnh bao tử

Đậu phụ là một loại thực phẩm tính chất lạnh, kết cấu mềm và dễ tiêu hóa. Là món ăn rất giàu nước, sau khi ăn, thân thể sẽ được cung cấp thêm nước, giúp thanh nhiệt giải hỏa, tăng cường khí lạnh trong bao tử, và nhuận trường thông tiện.

Vì lý do này, những người có bệnh liên quan đến đau bụng đi ngoài do lạnh thì tốt nhất là không nên ăn đậu phụ, để tránh làm tăng khí lạnh trong bao tử, dẫn đến tiêu chảy, nôn hoặc tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn.

Tác giả: Vũ Ngọc