Theo trang Suara đưa tin, ngày 11/8 vừa qua tại một khu phức hợp Lepping, quận Tamalate thuộc thành phố Makassar, trên đảo Sulawesi (Indonesia) đã xảy ra vụ nổ bình gas nghiêm trọng.
Một người dân tên Irman cho biết, sự việc bắt nguồn từ việc một người phụ nữ trong khu dân cư đã chạy qua nhà hàng xóm buôn chuyện mà quên tắt bếp dẫn tới nổ bình gas. “Đây là sơ suất của một người phụ nữ đang nấu ăn rồi chạy đi nói chuyện phiếm với hàng xóm”, anh Irman nói.
Vụ hỏa hoạn đã phá hủy hoàn toàn gần 100 ngôi nhà khiến người dân phải di tản đến nhà thờ Hồi giáo trú ẩn một thời gian. Trong khi đó, số khác đang cố gắng thu gom những vật dụng vẫn có thể sử dụng được từ đống đổ nát.
Quyền Giám đốc Sở Cứu hỏa thành phố Makassar, ông Hasanuddin, xác nhận rằng khoảng 95 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy. Trong sự cố đó, tổng cộng có 22 xe chữa cháy và 95 lính cứu hỏa đã được điều động đến hiện trường để dập lửa.
Quyền trưởng ban Dịch vụ xã hội thành phố Makassar, ông Rusmayani Masjid, cho biết nhóm của ông hiện đang chuẩn bị lương thực, thực phẩm để cung cấp cho các nạn nhân trong vụ cháy. Tuy nhiên, không rõ cảnh sát có điều tra kỹ nguyên nhân vụ cháy và có ai phải đứng ra chịu trách nhiệm về việc này hay không.
Những trường hợp tương tự như trên xảy ra không hiếm và nguyên nhân do sự chủ quan của người dân. Dưới đây là những thói quen phổ biến khi sử dụng bếp gas, dễ gây ra cháy nổ:
Quên khoá van bình gas
Một thói quen không tốt mà nhiều người sử dụng bếp gas hay mắc nhất hiện nay chính là quên khóa van bình gas sau mỗi lần dùng bếp hoặc khóa van gas không đúng quy trình (tắt bếp rồi mới khóa gas nhưng vẫn còn gas trong dây dẫn).
Thực tế có nhiều trường hợp bình gas không khóa van, khí luôn tràn trong dây dẫn, một thời gian dài hoặc qua một đêm dây dẫn bị chuột cắn, khí gas sẽ rò rỉ ra ngoài, gặp tia lửa điện sẽ gây hỏa hoạn khiến gia chủ không trở tay kịp.
Để giảm nguy cơ mất an toàn vì sơ ý với việc khóa van, người dùng nên chú ý đóng van gas cẩn thận sau khi nấu ăn, kiểm tra khóa bếp đúng quy trình (khóa gas trước khi tắt bếp).
Đặt bình gas ở góc bếp kín khí
Theo chuyên gia về khí hóa lỏng tại TP HCM, một sai lầm phổ biến nhất đối với các gia đình ở thành phố đó là do diện tích nhà phố nhỏ hẹp nên hầu hết đều đặt bình gas ở góc bếp kín khí. Tuy nhiên việc đặt bình gas như thế này khá nguy hiểm bởi hầu hết những tai nạn nguy hiểm đều xảy ra khi dùng bếp gas, bình gas trong phòng kín.
Nếu gas trong bình bị rò rỉ, hơi gas sẽ lan truyền, đẩy ôxy ra ngoài hết, dễ gây ngạt. Hơn nữa trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khí CO2 sinh ra trong phòng kín dễ làm cho nạn nhân ngạt thở trước khi chết vì cháy.
Khoảng cách giữa các vật dụng trong bếp với bếp gas
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia, bếp gas nên đặt cách trần nhà từ 1 – 1.5 m, cách tường, đồ dùng khác khoảng 15 cm, cách các thiết bị điện tử ít nhất 1.5 m và không nên đặt các vật dụng dễ cháy xung quanh bếp.
Không chú ý kiểm tra dây dẫn gas
Dây dẫn gas bị dập, gãy là nguyên nhân phổ biến nhất dễ dẫn tới cháy nổ khí gas. Nếu người dùng không chú ý thường xuyên kiểm tra phụ kiện này thì sẽ không thể phát hiện được những sự cố như: dây bị xoắn, gập, dây bị chảy do để quá gần nguồn nhiệt, mối nối giữa dây dẫn và bếp gas bị lỏng, chuột cắn,…
Do vậy, để tránh nguy cơ rò rỉ khí gas, bạn cần định kỳ kiểm tra dây dẫn gas, tránh để dây quá gần bếp nấu hay các thiết bị tỏa nhiệt, không để dây bị xoắn, gập. Đồng thời, người dùng nên mua dây dẫn gas chính hãng để đảm bảo an toàn cho gia đình mình.
Tác giả: Minh Tú
-
Từ 0h ngày 23-8, những đối tượng nào được phép ra đường?
-
Người đàn ông nghèo chỉ nhận được 2 gói mì từ thiện, sự thật đằng sau khiến người xem bật khóc
-
TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội: Người dân đi chợ thế nào?
-
Từ 0h ngày 23/8, TP.HCM tạm dừng shipper giao hàng tại các quận, huyện nào?
-
Hà Nội thêm 7 ca Covid-19, trong đó có 3 người ở HH4C Linh Đàm