Sổ đỏ không đứng tên, sau ly hôn có được chia không?

( PHUNUTODAY ) - Dưới đây là nguyên tắc phân chia tài sản sau khi ly hôn.

Phân chia tài sản theo thỏa thuận hai bên:

Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, vợ chồng sẽ thỏa thuận với nhau về phân chia tài sản.

Nếu không thỏa thuận được hoặc văn bản thỏa thuận bị tuyên bố vô hiệu, tòa án có thể quyết định việc phân chia tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo luật định, khi đó sẽ có hai trường hợp.

Thứ nhất, tài sản chung của vợ chồng theo nguyên tắc được chia đôi nhưng có xét đến các yếu tố sau:

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

Cần lưu ý một số yếu tố như lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng...

Thứ hai là tài sản riêng. Nếu không có thỏa thuận nào khác, tài sản riêng của vợ hoặc chồng sau ly hôn vẫn thuộc về người đó.

Không đứng tên sổ đỏ có được chia không?

Theo Điều 34; khoản 2 và Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất phụ thuộc vào nguồn gốc hình thành và thời điểm hình thành của tài sản mà không phụ thuộc vào việc ai đứng tên trong sổ đỏ. Đó cũng là cơ sở để tiến hành phân chia hoặc không phân chia tài sản đó.

Theo quy định, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, nếu có thỏa thuận chỉ một trong hai bên đứng tên, tài sản đó vẫn là tài sản chung của vợ chồng.

Tài sản là đất đai, tài sản gắn liền trên đất giấy chứng nhận sở hữu thì dù chỉ đứng tên chồng nhưng nếu thuộc nhóm tài sản chung của vợ chồng thì vẫn được phân chia cho hai bên vợ chồng theo đúng quy định pháp luật về phân chia tài sản chung.

Ngược lại, tài sản là đất đai, tài sản gắn liền trên đất đã có chứng nhận sở hữu thuộc trường hợp là tài sản riêng theo quy định (hoặc thỏa thuận) thì tài sản thuộc về người đứng tên.

Phân biệt tài sản chung - riêng

- Tài sản chung bao gồm:

Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Tài sản riêng bao gồm:

Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng khi hai bên có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng (trừ trường hợp có thỏa thuận là tài sản chung).

Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng.

Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân nếu có thỏa thuận thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Trình tự, thủ tục sang tên sổ đỏ sau khi ly hôn nếu cùng đứng tên sổ đỏ

Thẩm quyền giải quyết: UBND cấp Quận (huyện) nơi có nhà đất.

Bước 1: Công chứng

Các bên đến cơ quan công chứng( văn phòng công chứng, phòng công chứng) lập hợp đồng tặng cho tài sản hoặc văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập hợp đồng, các bên phải làm thủ tục đăng ký biên động đất đai và kê khai lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân, nếu quá thời hạn trên sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của nhà nước.

Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính (tại UBND cấp huyện nơi có nhà, đất):

Hồ sơ thực hiện việc sang tên sổ đỏ gồm:

- Tờ khai lệ phí trước bạ (02 bản do bên mua ký);

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (02 bản do bên bán ký. Riêng trường hợp cho tặng 04 bản);

- Hợp đồng công chứng đã lập (01 bản chính);

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (01 bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền);

- CMND + Sổ hộ khẩu của cả bên mua và bên bán (01 bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền);

- Thời hạn có thông báo nộp thuế: 10 ngày Sau khi có thông báo thì người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách nhà nước gồm:

+ Thuế thu nhập cá nhân: Thuế thu nhập cá nhân khi nhận tặng, cho tài sản là 10% x giá trị tài sản được tặng cho vượt trên 10 triệu đồng, (trong trường hợp vợ, chồng còn quan hệ hôn nhân( tức chưa ly hôn) tặng cho hoặc chuyển nhượng cho nhau thì được miễn)

+ Thuế trước bạ: 0,5 %

Bước 3: Kê khai hồ sơ sang tên (tại UBND quận/huyện nơi có nhà, đất):

Thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị đăng ký biến động (do bên bán ký); Trong trường hợp có thoả thuận trong hợp đồng về việc bên mua thực hiện thủ tục hành chính thì bên mua có thể ký thay.

+ Hợp đồng chuyển nhượng; hợp đồng tặng cho; hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản; văn bản khai nhận di sản;

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (bản gốc);

+ Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bản gốc);

+ Bản sao CMND + Sổ hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng;

+ Thời hạn sang tên: 15 ngày.

Lệ phí sang tên: (Căn cứ vào thông tư 85/2019/TT-BTC Hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết địnhcủa Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

+ Chứng nhận đăng ký biến động về đất đai.

+ Phí thẩm định: Tùy thuộc vào diện tích đất cấp quyền sử dụng, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ cấp quyền sử dụng đất, như cấp mới, cấp lại; việc sử dụng đất vào mục đích khác nhau (làm nhà ở, để sản xuất, kinh doanh) và các điều kiện cụ thể của địa phương mà áp dụng mức thu khác nhau cho phù hợp, bảo đảm nguyên tắc mức thu đối với đất sử dụng làm nhà ở thấp hơn đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Bước 4. Thẩm định hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:+ Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;+Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.+ Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã. Bước 4. Nộp thuế và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Các bên có nghĩa vụ nộp tiền thuế và các nghĩa vụ tài chính khác, sau đó nhận biên lai đã thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước.Kể từ ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký đất đai có sẽ thực hiện thủ tục sang tên và chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xuống Bộ phận một cửa để trả cho công dân.Thời hạn giải quyết

Theo điểm d Khoản 2 và Khoản 4 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 15 ngày. Thời gian này không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn này có thể nhanh hơn tuỳ thuộc vào số lượng đơn nộp vào Văn phòng đăng ký đất đai.

Tác giả: Vũ Ngọc