Tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm

( PHUNUTODAY ) - Với mong muốn con có đủ chất để phát triển, nhiều cha mẹ đã “nỗ lực” chế biến thức ăn cho bé ăn từ lúc trẻ mới được 3-4 tháng tuổi. Đó là một sai lầm của họ và hậu quả là có một số trẻ phải nhập viện vì táo bón hoặc tiêu chảy…

Mối nguy khi cho con ăn dặm sớm

 Cho trẻ ăn dặm sớm quá sẽ không tốt

Vì nhiều lý do, không ít người mẹ cho con ăn bột sớm, thường từ 3,5 đến trước 4 tháng tuổi. Có người còn nhầm tưởng rằng, ăn bột sớm sẽ khiến bé mau lớn, cứng cáp, bụ bẫm. Một số mẹ không chọn mua bột ăn dặm bán sẵn mà tự dùng nước cháo, nước cơm cho con tập ăn với suy nghĩ chúng bổ dưỡng, lỏng nên dễ tiêu hóa.

Các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo, chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi bé được 4-6 tháng tuổi. Tốt nhất, nên hỏi trực tiếp bác sĩ về thời điểm ăn dặm của con. Một số bé sinh non được khuyên nên bắt đầu ăn dặm muộn hơn.

Nếu cho ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi) dù là ăn bột hay nước cơm, nước cháo, bé rất dễ bị tiêu chảy, nôn trớ, đi ngoài phân sống. Nguyên nhân là do từ khi chào đời, bé chỉ quen tiêu hóa sữa. Ăn dặm là “thức ăn lạ” nếu làm quen quá sớm khiến hệ tiêu hóa còn nơn nớt của bé quá tải, gây rối loạn tiêu hóa.

ăn dặm sớm tuy bụ bẫm nhưng có thể suy dinh dưỡng. Ăn bột làm bé no bụng, gây giảm cảm giác thèm bú, dẫn tới kém bú. Trong khi bột (phần lớn là tinh bột và một số chất dinh dưỡng khác) không thể đáp ứng nguồn dinh dưỡng dồi dào cho sự phát triển của bé như sữa. Nếu bú kém, ăn bột nhiều dễ gây hiện tượng bụ bẫm, nhưng thực ra bé lại suy dinh dưỡng, còi xương do thiếu chất. Ăn nhiều bột còn gây tình trạng loạn chuyển hóa – tăng đào thải canxi ra nước tiểu, gây còi xương.

Một số bé cơ địa dễ dị ứng, nếu cho ăn dặm sớm còn làm tăng nguy cơ dị ứng ở bé. Kèm theo dị ứng là đau bụng và tăng tỷ lệ bị bệnh chàm.

Tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm

Cho bé ăn dặm sớm và những hậu quả không đáng có

 Sẽ là sai lầm nếu cho trẻ ăn dặm sớm 

Trong những tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của bé còn chưa hoàn thiện và rất non nớt, do đó, cho bé ăn dặm sớm quá có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé và đặc biệt là ảnh hưởng tới gan, thận. Khi được cho ăn dặm quá sớm bé rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Vì với một số bé, khi hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh thì chưa đủ khả năng tiêu hóa những thức ăn khác mà không phải sữa mẹ.

Do đó, việc ăn dặm của trẻ là vô nghĩa. Không những thế, ăn dặm làm bé lười bú sữa mẹ dẫn đến bé không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Ngược lại, với một số bé thì ăn dặm sớm gây ra béo phì. Do bé không tự quyết định được việc dừng ăn khi đã no- điều bé có thể làm khi bú mẹ. Ngoài ra thì bé được cho ăn dặm sớm thường có nguy cơ bị dị ứng thức ăn cao hơn so với trẻ được cho ăn dặm đúng thời điểm.

Tác giả: Phạm Đông