Tại sao dịp lễ Vu Lan lại chọn hoa hồng chứ không phải loại hoa khác?

( PHUNUTODAY ) - Cài bông hồng lên áo trong lễ Vu Lan là cách mà con cái tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Ý nghĩa bông hồng cài áo

Cài bông hồng lên áo trong lễ Vu Lan là cách mà con cái tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Với nghi thức này, các Phật tử sẽ cầm các giỏ hoa hồng với các màu sắc khác nhau (đỏ, hồng nhạt, trắng và vàng) để cài lên áo từng người tham dự lễ.

Cài bông hồng lên áo trong lễ Vu Lan

Theo Đại đức Thích An Đạt (chùa Thiên Trúc, quận 7, TP.HCM), thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là người đề xuất nghi thức “Bông hồng cài áo”. Năm 1962, thiền sư được mời tham dự lễ tạ ơn – tôn vinh công ơn của người mẹ tại Nhật Bản. Khi đó, ban tổ chức đã cài một bông hoa cẩm chướng màu trắng lên ngực áo của thiền sư để biểu thị việc người đồng hành của ông đã mất mẹ. Nhận thấy đây là hành động vô cùng ý nghĩa, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã áp dụng nghi thức này vào lễ Vu Lan. Từ đó, việc cài bông hồng lên áo trở nên phổ biến và được duy trì đến nay.

Nghi thức "Bông hồng cài áo" không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn là lời nhắc nhở đến những người làm con. Cho dù bận rộn đến mấy, đừng quên báo hiếu cha mẹ, tự nhắc nhở mình rằng: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”.

Tại sao lại chọn hoa hồng chứ không phải loại hoa khác? Hoa hồng được chọn làm bông hoa cài áo trong lễ Vu Lan vì đây là loài hoa tượng trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn. Không chỉ vậy, hoa hồng còn biểu tượng cho tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và hương thơm ngát. Việc nhớ về đấng sinh thành và cài hoa hồng lên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu thiêng liêng những người làm con muốn trao gửi. Vào ngày lễ Vu Lan, mọi người dù già hay trẻ, trai hay gái đều tràn ngập cảm xúc biết ơn, đón nhận một bông hoa hồng và cài lên ngực áo một cách trang trọng.

Ý nghĩa đặc biệt của các màu hoa cài áo

Hoa Hồng Vàng

Ý nghĩa: Dành cho các tu sĩ - người đã xuất gia. Màu vàng trong Phật giáo tượng trưng cho sự buông bỏ, giải thoát và là màu sắc của ánh đạo. Cài đóa hồng vàng lên ngực áo như một hành động chứng thực cho sứ mệnh thiêng liêng, dùng thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để tìm tới sự giải thoát, đền đáp ân tình mẹ cha.

Hoa Hồng Đỏ

Ý nghĩa: Dành cho những người còn cả cha và mẹ. Hành động này như một lời nhắc nhở rằng, còn cha còn mẹ là điều may mắn nhất trên đời. Hoa hồng đỏ thể hiện tình yêu thương, sự ấm áp và gắn kết gia đình. Hãy trân trọng hạnh phúc này, đừng vô tâm khiến cha mẹ buồn lòng.

Hoa Hồng Hồng Nhạt

Ý nghĩa: Dành cho những ai chỉ còn cha hoặc mẹ. Những người chỉ còn cha hoặc mẹ sẽ cài hoa màu hồng nhạt thay vì hoa hồng đỏ tươi. Đóa hồng màu hồng nhạt thể hiện sự dịu dàng, lòng trắc ẩn, và sự nhớ thương cho người đã mất, bày tỏ lòng biết ơn đối với người cha hoặc mẹ còn tại thế.

Hoa Hồng Trắng

Ý nghĩa: Dành cho những ai không may mất cả cha mẹ. Màu trắng tinh khiết tượng trưng cho sự tưởng nhớ và chia lìa âm dương. Hành động cài hoa hồng trắng là lời nhắc nhở sâu sắc rằng cuộc sống này là hữu hạn. Hãy sống thật tốt để cha mẹ ở nơi chín suối được an tâm, thanh thản.

Tác giả: Vũ Ngọc