Tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức ngay cuối năm 2022 hay đầu năm 2023? Mức tăng là bao nhiêu?

( PHUNUTODAY ) - Vấn đề khi nào tăng lương cơ sở và mức tăng bao nhiêu là mối quan tâm của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trước tình hình giá cả leo thang.

Từ năm 2019 đến nay, lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn giữ nguyên ở mức 1.490.000 đồng. Vấn đề khi nào tăng lương cơ sở và mức tăng bao nhiêu là mối quan tâm của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trước tình hình giá cả leo thang.

Thông tin Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 20.10 sắp tới thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Cuộc sống của đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đều rất khó khăn. Trong khi đồng tiền lạm phát, giá cả leo thang thì đồng lương của họ vẫn đang giậm chân tại chỗ. Khi nghe thông tin sắp có phương án tăng lương, rất nhiều người bày tỏ vui mừng và hy vọng trước thông tin đăng tải trên báo chí liên quan đến điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Chị N, một viên chức cho biết: “Lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng, đã áp dụng từ năm 2019. Như vậy là đã rất lâu rồi, công chức, viên chức chưa được tăng lương. Vì vậy, theo tôi cần tăng lương càng sớm càng tốt, có thể tăng luôn trong quý IV này để những viên chức như tôi bớt đi phần nào khó khăn”

Dù là lãnh đạo, nhưng thu nhập của chị N chỉ vỏn vẹn khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Cụ thể, hiện nay, chị có hệ số lương là 3,06 x mức lương cơ sở (1.490.000 đồng) = 4.559.400 đồng. Ngoài ra, chị còn được 149.000 đồng/tháng chức danh dự phòng; phụ cấp 0,15 của vị trí phó trưởng trạm, thêm một khoản tiền trực đêm.  

Theo chị, mức thu nhập này khó có thể trang trải cuộc sống hàng ngày, dù là ở quê. Con út chị năm nay lên học đại học ở Hà Nội, mỗi tháng đã phải gửi 5 triệu đồng cho con. Nếu không trồng thêm rau, nuôi thêm con gà, thì cuộc sống của gia đình chị còn khó khăn hơn nữa. Trong khi đó, nhiều mặt hàng, dịch vụ có xu hướng tăng giá. Vừa qua, sau khi mưa nhiều ngày, mớ rau muống đã tăng từ 5.000 đồng lên mức 7.000-8.000 đồng; thịt lợn tăng từ 90.000 đồng/kg lên 110.000-120.000 đồng/kg. “Nếu không tăng lương thì những viên chức như tôi sẽ ngày càng khó khăn trong cuộc sống” - chị N than thở.  

Còn chị Nguyễn Thị H - giáo viên tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội - cho biết, chị mới được vào biên chế, hiện có hệ số lương là 2,66, lương gần 4 triệu đồng/tháng. Cộng với một số khoản phụ cấp, tổng thu nhập của chị cũng rất thấp. Với mức thu nhập này, cuộc sống của chị khá khó khăn, chật vật, trong bối cảnh vật giá leo thang.  

Trong khi, lương tối thiểu vùng áp dụng với người lao động khu vực doanh nghiệp đã được điều chỉnh tăng trong thời gian qua như sau: 

+ Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng lên 5,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018. 

+ Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng lên 5,5% so với mức lương tối thiểu năm 2019. 

+ Từ năm 2021 đến trước ngày 1.7.2022: Mức lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

+ Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%, điều chỉnh từ ngày 1.7.2022 đến ngày 31.12.2023. 

Trong khi đó, với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ ngày 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng. 

Chính vì thế, thông tin Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 20.10 là một tin rất đáng mong chờ của nhiều người.

Tác giả: Vũ Thêm