Dùng căn cước công dân thay sổ hộ khẩu khi thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính
Từ ngày 1.1.2023, không còn áp dụng sổ hộ khẩu giấy, thay vào đó, theo quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP, từ thời điểm này, hàng loạt thủ tục hành chính có thể sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy.
Cụ thể: thủ tục mua bán điện sinh hoạt; thủ tục đăng ký nuôi con nuôi; thủ tục xác định sử dụng đất ổn định, lâu dài để làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục vay vốn hỗ trợ việc làm; thủ tục cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế trong trường hợp người thân đến nhận thẻ thay…
Năm 2023, những trường hợp bắt buộc đổi thẻ căn cước công dân
Đối với người đang dùng chứng minh nhân dân từ năm 2008 trở về trước:
Theo Nghị định 05/1999/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 170/2007/NĐ-CP), chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Như vậy, đến năm 2023, những người có chứng minh nhân dân được cấp từ năm 2008 trở về trước bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chíp.
Buộc đổi căn cước công dân với người đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi:
Cụ thể, Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định, thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Theo đó, sang năm 2023, những người sinh năm 1998, 1983 và 1963 và được cấp thẻ căn cước công dân từ năm 2021 trở về trước sẽ thuộc độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân.
Trường hợp nếu đã đổi thẻ căn cước công dân mới từ năm 2021 trở đi thì vẫn tiếp tục sử dụng thẻ này đến độ tuổi phải đổi thẻ tiếp theo.
Không còn sử dụng sổ hộ khẩu giấy khi làm căn cước công dân gắn chíp
Căn cứ Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA, việc thu nhận thông tin công dân khi làm căn cước công dân gắn chíp quy định như sau:
Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Cụ thể giấy tờ, hồ sơ chứng minh thông tin công dân có thể là sổ hộ khẩu giấy.
Tuy nhiên, từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy không còn, khi thực hiện thủ tục làm thẻ căn cước công dân gắn chíp, người dân không còn sử dụng sổ hộ khẩu để chứng minh thông tin công dân. Thay vào đó có thể sử dụng các loại giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân, giấy khai sinh…
Tác giả: Thạch Thảo
-
Đóng đủ 20 năm BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động có được rút BHXH một lần không?
-
Chồng lén nhắn tin với gái trên zalo rồi xoá bỏ, làm ngay theo cách này để khôi phục, không thể chối cãi
-
Mua bán nhà đất không có sổ đỏ, người dân phải nhìn kĩ 1 thứ kẻo mất trắng
-
Nên làm gì khi cho vay nặng lãi nhưng bị con nợ "bùng tiền": Đây là cách giải quyết tốt nhất
-
5 nghề có nguy cơ thất nghiệp cao trong 10 năm tới