Thế chấp sổ đỏ 2023: 7 điểm quan trọng liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân, ai cũng cần biết

( PHUNUTODAY ) - Theo quy định về việc thế chấp sổ đỏ trong năm 2023, người dân cần chú ý tới 7 điểm sau đây.

Thế chấp Sổ đỏ là gì?

Thế chấp Sổ đỏ là cách thường gọi của người dân dùng để chỉ việc thế chấp quyền sử dụng đất (chỉ có đất), quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất (đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất).

4 điều kiện quan trọng khi thế chấp sổ đỏ

Theo Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, cá nhân, hộ gia đình được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện như: Đất có sổ đỏ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.

Đất không có tranh chấp; đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; đất trong thời hạn sử dụng đất.

Bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp

Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định rõ: "Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b khoản này".

Thế chấp sổ đỏ có hiệu lực khi nào?

Thế chấp sổ đỏ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính. Điều này được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013.

“Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính".

Hồ sơ thế chấp sổ đỏ gồm những gì?

Căn cứ Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp sổ đỏ nộp hồ sơ kèm các giấy tờ:

- Bản chính phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01a.

- Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng, chứng thực trong trường hợp Luật Đất đai, Luật Nhà ở, luật khác có liên quan quy định.

- Bản gốc sổ đỏ, sổ hồng.

Đất đang thế chấp có được bán không?

Theo căn cứ Khoản 8 Điều 320 và khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp bên nhận thế chấp đồng ý.

Người thế chấp sổ đỏ không trả lãi đúng hạn sẽ bị xử lý

Theo Khoản 7 Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp xử lý tài sản bảo đảm.

Cụ thể, đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật.

Trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định.

Tác giả: Thạch Thảo