Người phụ nữ bán thịt heo trúng xổ số 92 tỷ
Chủ nhân của dãy số 05-21-31-33-38-42, trúng giải thưởng hơn 92 tỷ đồng là chị Nguyễn Thị Ánh Đào (32 tuổi, ngụ TP Trà Vinh). Sáng nay (17/10), chị Đào đã uỷ quyền cho cha ruột là ông Nguyễn Quốc Thái (58 tuổi) cùng người nhà lên TP.HCM nhận giải.
Theo lời chị Đào, tờ vé số này chị mua từ một người bán mối quen. Chiều hôm qua (16/10), biết trúng giải đặc biệt nên suốt đêm cả nhà đều không ngủ được. Từ sáng đến trưa nay, rất đông người dân xung quanh đã kéo đến nhà chúc mừng gia đình chị.
Với số tiền trúng giải sau khi trừ thuế lên tới gần 83 tỷ đồng, chị Đào và gia đình vẫn chưa có dự tính làm gì. Trước mắt, gia đình sẽ tặng 400 phần quà (mỗi phần gồm 25 kg gạo và 200.000 đồng) cho hộ nghèo trên địa bàn.
Gia đình chị cũng dự kiến sẽ phối hợp với các hội từ thiện hoặc hội chữ thập đỏ địa phương tìm hiểu, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo từng trường hợp cụ thể.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử xổ số Việt Nam có một người trúng giải thưởng giá trị lớn như vậy.
Nhiều người dân xung quanh nhà chị Đào cũng vui lây. Họ cho biết từ tối qua đến sáng nay, tại các quán cà phê, các chợ tại Trà Vinh bàn tán rôm rả về vụ trúng số 92 tỷ đồng. Trong khi đó, sinh hoạt tại nhà chị Đào vẫn diễn ra bình thường. Buổi sáng, gia đình chị Đào còn mua tàu hũ về nhà ăn thay cơm.
“Gia đình Đào sống bằng nghề bán thịt heo, nem nướng. Tính chị ấy rất hiền lành, xóm giềng ai cũng thương”, một người dân địa phương cho hay.
Trước đó, theo thông báo từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), giải độc đắc Mega 6/45 (giải Jackpot) ngày 16/10, với trị giá 92,03 tỷ đồng đã có chủ. Trong ngày quay số này còn có 17 giải nhất trị giá mỗi giải 10 triệu đồng; 1.178 giải nhì mỗi giải 300.000 đồng và 20.388 giải ba mỗi giải 30.000 đồng.
Mới lớp 4, hai bé gái Ninh Bình đã lên ý tưởng làm máy thu bão: vừa hút hết gió xuống lòng đất, vừa tạo ra điện năng sử dụng
Mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của Minh Nguyệt và Quỳnh Ngân đã vượt qua 450.000 ý tưởng khác của các bạn học sinh tiểu học toàn quốc trong cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ năm 2016, để giành giải nhất khối lớp 4 - 5.
Là hai người con của vùng đất Ninh Bình giàu truyền thống lịch sử - văn hoá và đặc biệt vô cùng hiếu học, cô bé Đinh Quỳnh Ngân và Đinh Thị Nguyệt Minh cùng học lớp 5 trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Tam Điệp đã sáng tạo ra mô hình máy thu - xử lý bão trong lòng đất, với mong muốn giảm thiệt hại do bão gây ra, biến gió, nước mưa thành nguồn năng lượng phục vụ con người.
Cả hai cô bé đều trông rất nhỏ nhắn so với lứa tuổi của mình, nhưng lại vô cùng nhanh nhẹn và thông minh. Cô Bùi Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm hai em chia sẻ, Minh và Ngân là đôi bạn cùng tiến trong lớp, hai em học đều tất cả các môn.
Đặc biệt, 2 em có chung cùng sở thích là sáng tạo khoa học. Nhà trường phát động bất cứ cuộc thi nào, Minh và Ngân đều hăng hái tham gia.
Năm học 2015-2016, được nhà trường phổ biến cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, hai em mạnh dạn trình bày ý tưởng máy thu và xử lý bão thì nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của thầy cô.
Nguyệt Minh chia sẻ, khi nghe bố kể chuyện bếp Hoàng Cầm sử dụng trong kháng chiến đun một nơi, khói ra một nơi khác để đánh lạc hướng quân địch, Minh đã ứng dụng ngay vào công trình đang làm.
Tuy vậy, quá trình biến ý tưởng thành mô hình của hai cô bé cũng gặp không ít khó khăn khi tìm nguyên lý hoạt động cho bộ phận xử lý bão trong lòng đất vì các em chưa được học về nguồn điện và kiến thức vật lý chuyên sâu.
Thế nhưng, dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Phạm Sơn Thu sau hơn một tháng thực hiện, mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của Ngân và Minh đã hoàn thành.
Lý giải về nguyên lý hoạt động của máy thu và xử lý bão, Ngân cho hay, máy có hai phần chính là: bộ phận đặt trong lòng đất thu - xử lý gió bão, và bộ phận đặt trên mặt đất để thu sấm chớp.
“Khi có cơn bão đến, gió bão sẽ được các quạt của máy thu vào bên trong bình chứa (nén áp suất). Từ đây gió được chuyển đến một bộ phận làm quay tua-bin phát ra điện, điện sẽ được tích ở bộ phận nguồn sau đó truyền tải đến cho người dân sử dụng. Lượng gió dư thừa sẽ theo các ống dẫn và thoát ra trên mặt đất theo kiểm soát của van tự động. Việc thu và xử lý nước cũng tương tự.
Còn bộ phận thu sấm chớp cũng sẽ thực hiện thu sấm chớp thông qua các cột đặt trên mặt đất, sau đó cũng làm quay tua-bin biến chúng thành điện năng”, em Ngân nói.
Em Minh chia sẻ thêm: “Máy sẽ được lắp đặt ở khu vực bờ biển, vì đây là vị trí bão thường đổ bộ vào đất liền đầu tiên. Khi bão qua đây sẽ bị máy thu và xử lý làm suy giảm sức gió, tránh được sự tàn phá cho con người và nhà cửa. Đây cũng là mong muốn lớn nhất của chúng em khi làm chiếc máy này”.
Nguyên vật liệu của mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất là những phế liệu rẻ tiền hoặc đồ chơi bỏ đi như ống nước, giấy màu, vỏ chai, cánh quạt… Tổng chi phí làm mô hình chỉ hết 500.000 đồng.
Thầy Lê Xuân Thắng, hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Phú rất tự hào về hai cô trò nhỏ khi nhận xét: “Đó là ý tưởng độc đáo, mới mẻ vì trên thế giới chưa từng có chiếc máy như vậy”.
Mô hình máy thu và xử lý bão trong lòng đất của Minh Nguyệt và Quỳnh Ngân đã vượt qua 450.000 ý tưởng khác của các bạn học sinh tiểu học toàn quốc trong cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ năm 2016, để giành giải nhất khối lớp 4-5.
Với phần thưởng 20 triệu đồng, hai cô bé đã có hành động vô cùng đáng yêu là trích ra một phần để liên hoan và mua sách vở tặng các bạn khó khăn trong lớp.
Chỉ một đêm, dân mạng góp 3,2 tỉ đồng giúp người miền Trung bị lũ
Trưa nay, 17.10, MC Phan Anh xác nhận với Thanh Niên số tiền cộng đồng mạng quyên góp vào tài khoản ngân hàng đứng tên anh với mục đích: “Hỗ trợ dân miền Trung chịu thiệt hại do lũ” đã cán mốc 3,2 tỉ đồng. Tối nay, 17.10, Phan Anh và một số bạn bè sẽ đáp chuyến bay tới Đà Nẵng, mở đầu chuyến thiện nguyện, mang tiền và nhu yếu phẩm đến cho người dân 3 xã đang gặp khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Chiều qua, 16.10, với mong muốn san sẻ nỗi khó khăn với người dân vùng lũ, MC Phan Anh đã chủ động chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản quyên góp do chính anh mở ra.
Hành động ý nghĩa này lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Anh em nghệ sĩ cùng nhiều người dùng Facebook liên tục gửi tin nhắn phản hồi về số tiền đã đóng góp vào tài khoản trên. Dân mạng cũng tích cực chia sẻ bản tin kêu gọi thiện nguyện trên của MC Phan Anh, tăng sức lan tỏa trong cộng đồng.
MC Phan Anh: ‘Tôi đã bật khóc khi nhận tiền\'
Trước thông tin Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề với hàng chục ngàn hộ dân chìm trong nước, Quảng Trị “oằn mình” trong lốc xoáy khi có gần 600 ngôi nhà bị đánh sập, tốc mái, số người thương vong do bão lũ liên tiếp tăng lên… Phan Anh chủ động lên Facebook kêu gọi quyên góp.
Trên Facebook cá nhân, anh viết: “Mục đích của lần quyên góp này là hỗ trợ ít nhất cho 1.000 hộ dân tại các xã bị thiệt hại nặng nhất. Trị giá mỗi gói quà dự kiến là 500.000 đồng, kèm theo nửa cân ruốc, gói làm sạch nước. Mình đồng cảm thì mình cùng làm thôi. Mong chia sẻ!”.
Bài đăng trên đã hút hơn 54.000 lượt thích và hơn 13.000 lượt chia sẻ chỉ sau 1 đêm. Trao đổi với Thanh Niên về mức độ tương tác lớn từ cộng đồng, MC Phan Anh không giấu nổi sự xúc động.
Anh nói: “Sau khi đăng lời kêu gọi trên lên Facebook, tôi rời nhà đi làm. Đêm trở về, tôi nhìn thấy điện thoại mình báo có hơn 1.000 tin nhắn chưa đọc. Nội dung các tin nhắn đều báo số tiền trong tài khoản ngân hàng có sự phát sinh. Khi mở từng tin nhắn ra kiểm tra, tôi trào nước mắt khi thấy con số 500 triệu đồng ban đầu đã tăng lên rất nhiều. Lúc đăng tải lời kêu gọi, tôi không nghĩ mình nhận được làn sóng quan tâm, hưởng ứng lớn đến thế".
Số tiền ủng hộ cho đồng bào bị bão lụt từ lời kêu gọi của MC Phan Anh vẫn liên tiếp tăng lên, từ 900 triệu đồng, 2,2 tỉ đồng và hiện tại cán mốc 3,2 tỉ đồng.
“Niềm hạnh phúc trong tôi lúc này không chỉ đơn thuần chỉ là niềm vui vẫn hay nhận được hàng ngày, mà đó là cảm giác biệt hơn tất thảy. Sự ấp áp xuất phát từ trái tim và đang lan tỏa đến nhiều trái tim khác”, giọng Phan Anh nghèn nghẹn khi chia sẻ cảm xúc với Thanh Niên.
Lên đường đi Đà Nẵng tối nay, 17.10, ngoài MC Phan Anh sẽ còn có một số gương mặt quen thuộc khác như ca sĩ Hoàng Bách, gia đình Minh Khang - Thúy Hạnh và các đạo diễn trong chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?”.
“Hiện tại, tôi đã liên hệ được với 2 địa phương vùng lũ để có được danh sách các hộ cần được giúp đỡ. Có tối đa 3 xã được sự hỗ trợ khẩn cấp trong đợt này. Tổng số hộ được trợ giúp dự kiến lên đến 3.000 hộ”.
“Ngoài phát tiền và nhu yếu phẩm cho người dân trong 2 ngày 18.10 và 19.10, chúng tôi hướng đến cách hỗ trợ chuyên sâu. Tôi sẽ tìm hiểu thực tế bà con ở địa phương đang cần những gì để thoát nghèo và tìm cách cung cấp các trang thiết bị cần thiết để họ đương đầu với thiên tai, lũ lụt trong những mùa lũ sau… Chứ không đơn thuần là đưa cho họ một số tiền lớn ngay lúc này”, Phan Anh bộc bạch.
'Làm việc tốt biết bao nhiêu cho đủ'
Lời kêu gọi của MC Phan Anh chạm đến tim nhiều người dùng mạng xã hội. Hàng ngàn người đã trích một khoản nhỏ trong tài khoản của mình để gửi về quỹ chung, giúp đỡ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.
Anh Nguyễn Đại (ngụ tại Đà Nẵng) chia sẻ: “Sáng nay tôi hỏi con gái đang học lớp 8 rằng: Đồng bào bị lũ lụt rất khổ, giờ ba con mình có nên ủng hộ không con? Bé trả lời không chút do dự: Có ba. Tôi hỏi tiếp: Vậy ủng hộ 500.000 có nhiều quá không con. Nó đáp: Làm việc tốt thì biết nhiêu cho đủ ba”.
Thấy con trẻ sớm biết yêu thương và san sẻ, anh Đại mát lòng chuyển số tiền 500.000 đồng vào tài khoản ngân hàng đứng tên Phan Anh. Anh để lại lời nhắn: “Lòng người vô hạn mà sức người có hạn, ba con em xin ủng hộ một ít tiền. Nhờ chú Phan Anh chuyển giúp đến đồng bào gặp khó khăn. Chân thành cảm ơn những người như chú!”.
Nghĩa cử tốt đẹp của cha con anh Đại đã nhận được 2,3 ngàn lượt like, cùng hàng trăm lời khen ngợi trên mạng xã hội.
Đinh Chí Nhân, sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội) quyết định góp 500.000 đồng cho người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình sau khi biết đến lời kêu gọi của MC Phan Anh.
Chia sẻ với Thanh Niên, Chí Nhân nói: “Gia đình mình cũng đi lên từ nghèo khó, mình rất thấu hiểu và cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn. Lên mạng đọc được thông tin về lũ lụt ở miền Trung, mình muốn giúp đỡ bà con nhưng chưa biết nên quyên góp thế nào. May sao, mình gặp được lời kêu gọi của MC Phan Anh. Cá nhân mình thấy đây là cách kêu gọi rất thiết thực và có sức lan tỏa lớn đến cộng đồng. Khi chuyển tiền đi, mình chẳng nghĩ gì nhiều ngoài hy vọng những ngày tới, bà con miền Trung sẽ bớt khổ”.
Việt Nam phát hiện trẻ sơ sinh đầu tiên nghi mắc chứng đầu nhỏ do Zika
Ngày 17/10, Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ
Ngày 14/10/2016, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi sinh sống tại huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk có triệu chứng dị tật bẩm sinh nghi mắc chứng đầu nhỏ. Được biết. điều tra tiền sử cho thấy thời gian mẹ bé mang thai ở tháng thứ 3 và thứ 6 có sốt và phát ban, khu vực gia đình sinh sống có dịch sốt xuất huyết diễn biến nghiêm trọng
Ngay sau khi nhận được thông báo, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã tiến hành điều tra, lấy mẫu máu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm vi rút Zika, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang phối hợp với phòng xét nghiệm của đại học Nagasaki Nhật Bản tiến hành các xét nghiệm vi rút học.
Trước tình hình trên, sáng ngày 17/10/2016, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) đã tổ chức cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, với sự tham gia của các đơn vị và tổ chức quốc tế liên quan. Cuộc họp đã thống nhất kết luận
Dịch bệnhdo vi rút Zika đã lưu hành tại Việt Nam, có thể sẽ tiếp tục xét nghiệm phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Mặc dù chứng đầu nhỏ có thể ghi nhận tại 1-10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén nên có thể tại Việt Nam sẽ có trường hợp dị tật bẩm sinh chứng đầu nhỏ do vi rút Zika (hiện Thái Lan cũng đã ghi nhận 02 trường hợp đầu nhỏ có liên quan với vi rút Zika). Tuy vậy chứng đầu nhỏ còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như nhiễm vi rút (Rubella…), vi khuẩn (Giang mai…), ký sinh trùng (Toxoplasma…), nhiễm độc, suy dinh dưỡng, yếu tố di truyền.
Để xác định nguyên nhân, Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bệnh viện Sản tuyến Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thành lập đoàn điều tra, xem xét, khám lâm sàng cụ thể. Tiếp tục lấy mẫu để phối hợp với phòng xét nghiệm Đại học Nagasaki Nhật Bản xét nghiệm khẳng định.
Bộ Y tế cũng cho biết, sau khi có kết quả điều tra, Bộ Y tế sẽ có thông báo chính thức.
Virus Zika được cho là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ khiến trẻ sinh ra có phần đầu dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển dẫn khuyết tật về trí tuệ, vận động và ngôn ngữ. Virus Zika truyền qua muỗi, có thể lây qua đường máu giữa người với người song không phổ biến; truyền từ mẹ sang con khi sinh nhưng không lây qua sữa mẹ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy bệnh còn lây qua quan hệ tình dục và đàn ông cũng có thể mắc bệnh.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống sau cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, để chủ động phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, Bộ Y tế (Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh - EOC) đã nâng mức cảnh báo và đáp ứng hoạt động của Văn phòng EOC và khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số nội dung như:
- Phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.
- Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Người phụ nữ bị bắt quỳ lạy trước di ảnh Nhà vua Thái Lan vì xúc phạm Hoàng gia trên mạng
Theo Guardian, một người phụ nữ Thái Lan đã bị bắt giữ sau khi có những lời lẽ báng bổ tới Nhà vua Bhumibol Adulyadej trên mạng xã hội. Trong một đoạn video, người ta nhìn thấy Umaporn Sarasat, 43 tuổi, bị các sĩ quan áp giải tới đồn cảnh sát Bophut thuộc hòn đảo du lịch Koh Samui.
Trước khi bước vào bên trong văn phòng cảnh sát, người phụ nữ làm nghề kinh doanh nhỏ này bị bắt quỳ và vái vạy trước di ảnh Nhà vua quá cố trong tiếng sỉ nhục đến từ những người xung quanh. Thậm chí, một số người, trên tay cầm di ảnh của Nhà vua, đã cố gắng lao tới tấn công bà Sarasat bất chấp sự ngăn cản của cảnh sát.
Guardian cho biết, bà Sarasat có thể phải đối mặt với các hình phạt dành cho tội danh báng bổ, xúc phạm Hoàng gia.
“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để giải quyết vụ việc,” ông Thewes Pleumsud - cảnh sát trưởng thị trấn Bophut cho biết. “Tôi hiểu cảm xúc của các bạn. Các bạn đến đây để bày tỏ sự trung thành với Nhà vua. Đừng lo lắng, tôi sẽ giữ lời hứa của mình.”
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đề nghị người dân kiềm chế những phát ngôn của mình nhằm vào những người cố tình không mặc áo có màu đen và trắng để thể hiện sự thành kính với Nhà vua.
Thái Lan có luật lệ hà khắc về tội khi quân. Luật pháp Thái Lan nghiêm cấm các hành vi phỉ báng, chỉ trích hoàng gia dưới mọi hình thức. Người nào có hành động hoặc bài viết được coi là xúc phạm Nhà vua hay gia đình hoàng tộc đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc, thậm chí phải ngồi tù.
Bắt giữ đối tượng giả danh Công an lừa đảo qua điện thoại
Cụ thể, vào ngày 12/10 , bà Đ.T.T (77 tuổi, ngụ quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) trình báo với Công an địa phương về việc bà bị lừa 6 tỷ đồng. Theo đó, một đối tượng gọi điện thoại đến số máy gia đình bà, xưng là cán bộ Công an đang điều tra về đường dây tội phạm lớn và tình nghi tài khoản ngân hàng của bà T cũng như cá nhân bà có liên quan.
Người này yêu cầu bà T chuyển tiền vào tài khoản của cán bộ Công an để kiểm tra, nếu là tiền “sạch” thì sẽ hoàn trả liền cho bà. Tin lời, bà T đã ra một chi nhánh ngân hàng làm thủ tục chuyển 6 tỷ đồng vào 6 tài khoản ngân hàng. Được biết , 6 tài khoản mà bà T chuyển tiền đến có tên chủ tài khoản rõ ràng, chủ yếu là các chi nhánh của các ngân hàng thương mại lớn ở tỉnh Lạng Sơn và Hà Nam. Sau khi chuyển tiền mà không thấy trả lại như lời “cán bộ Công an” đã nói, bà T cùng gia đình biết bị lừa nên trình báo cơ quan Công an.
Truy theo nguồn gốc các số tài khoản nhận tiền, Công an xác định được các đối tượng liên quan. Ngày 15/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt khẩn cấp nghi can Lộc Thị Tâm (47 tuổi, ngụ xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) và con gái của Tâm là Trần Ánh Tuyết. Công an cũng triệu tập Trần Văn Trung và Lành Văn Thức, đều là con rể của Tâm, để điều tra làm rõ vai trò liên quan.
Bước đầu, các nghi can đã thừa nhận hành vi phạm tội. Cụ thể, Trần Ánh Tuyết khai, khi lừa được của bà T 6 tỷ đồng, Tuyết nhanh chóng rút ra 2 tỷ đồng, chuyển cho ông chủ ở Trung Quốc. Số tiền còn lại, cơ quan Công an đã kịp thời phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài khoản.
Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
9X quỵt tiền bị chủ quán xăm lên người
Chủ tiệm đã xăm thêm dòng chữ "Em không dám xăm quỵt nữa" lên người chàng trai sau khi khách hàng định bỏ trốn, không trả 600.000 đồng.
Chủ tiệm xăm tên Thanh vừa đăng clip dài 2 phút kèm dòng chú thích: "Hậu quả của thanh niên xăm không trả tiền ở tiệm tôi. Quỵt công sức lao động của anh em thợ xăm, trường hợp này xảy ra khá nhiều, mọi người nên mạnh tay giống mình".
Đoạn video trên thu hút 150.000 lượt xem, 10.000 lượt like (thích) và hàng trăm bình luận, chia sẻ.
Ông chủ cửa hàng xăm tại đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM) này kể lại ngày 15/10, Phong (khoảng 20 tuổi) yêu cầu xăm lên cánh tay phải. Khi gần xong, khách xin ra ngoài và định bỏ trốn, nhưng bị phát hiện.
Chủ nhân clip cho biết đây không phải lần đầu tiên tiệm xăm của anh gặp trường hợp quỵt tiền. Vì thế, anh phải xăm lên người chàng trai dòng chữ để răn đe.
Anh Thanh cũng khẳng định dòng chữ trên người chàng trai khá nhạt, có thể tẩy dễ dàng. Những hình ảnh trong clip cũng không rõ mặt nên không ảnh hưởng cuộc sống của Phong.
Nhiều người đồng tình với cách làm của nam thợ xăm, lên án thanh niên quỵt tiền.
Tài khoản Duy Minh cho hay: "Có vài trăm nghìn tiền xăm mà cũng không trả, thật đáng buồn cho thế hệ thanh niên bây giờ. Dân chơi thích học đòi xăm hình thì nên trả tiền công cho người ta".
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng hành động của thợ xăm là thái quá và chỉ để PR cho bản thân.
"Mình thấy clip diễn hơi sâu, không có chuyện để cây xăm gần tay như vậy, mực lại còn mờ nữa. Nhiều chi tiết lộ quá!", thành viên Nguyễn Quang Kiên viết.
Tác giả: Vân Tiên
-
Cuộc sống "thấp thỏm" trên nóc nhà của hàng nghìn hộ dân miền Trung trong cơn lũ dữ
-
Nước mắt chan mưa: Con trai bất lực nhìn bố bị lũ cuốn trôi, bố mẹ gào khóc tìm con giữa dòng nước xiết...
-
Điểm tin mới 17/10: Đám cưới giữa lũ ở Hà Tĩnh; đang động phòng thì bạn chạy vào trêu đùa
-
Clip: Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh ngập chìm trong rốn lũ dữ
-
Mưa lũ miền Trung: 4 người thiệt mạng, mất tích, đường sắt Bắc Nam tắc