Phụ cấp thâm niên là một trong những chế độ phụ cấp được ghi nhận trong hợp đồng lao động cùng với các chế độ phụ cấp, tiền thưởng, nâng bậc lương hay các chế độ khuyến khích khác. Phụ cấp thâm niên là khoản phụ cấp lương được trả thêm hàng tháng, một trong những hình thức khuyến khích của người sử dụng lao động đối với người lao động để họ có thể gắn bó và làm nghề lâu dài, đồng thời cũng là để tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn. Người lao động càng có nhiều năm gắn bó với nghề thì càng có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, mà trong bất cứ nghề nghiệp nào, kể cả làm việc trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, công ty bên ngoài, kinh nghiệm cũng là điều vô cùng quan trọng, người lao động có kinh nghiệm có thể nắm bắt công việc dễ dàng hơn, làm việc với hiệu suất cao hơn.
Liệu người lao động được tính phụ cấp thâm niên vào lương hưu? Việc tính phụ cấp thâm niên vào lương hưu sẽ được áp dụng trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Theo Khoản 1 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Căn cứ theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, có một số nhóm người lao động sau được tính phụ cấp thâm niên vào lương hưu.
Nhóm 1
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề. Sau đó, người lao động chuyển sang ngành nghề không có phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề.
Khi đó, cơ sở tính lương hưu sẽ lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề cao nhất (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu.
Nhóm 2
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ những năm cuối để làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề.
Theo đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Nhóm 3
Đối với trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối để tính lương hưu vừa có thời gian đóng có phụ cấp thâm niên nghề, vừa có thời gian đóng không có phụ cấp thâm niên nghề thì tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Nhóm 4
Người lao động trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội có khoảng thời gian đóng bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề cao hơn tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối.
Khi đó, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề liền kề tương ứng với số năm quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí), sẽ được lấy để tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Đóng đủ 25 năm BHXH, người lao động được nhận bao nhiêu % lương hưu?
-
Lương tối thiểu vùng tăng 6%, lương hưu có tăng theo không?
-
Đóng BHXH đủ 25 năm nhận mức lương hưu được bao nhiêu?
-
Người lao động đóng đủ 30 năm BHXH, về hưu năm 2022 hưởng lương bao nhiêu?
-
Cách tính bình quân lương tháng đơn giản nhất để biết hưởng lương hưu nhận được bao nhiêu?