Nhà Đường thành lập
Năm 618, cuộc nội chiến kết thúc, Đường quốc công Lý Uyên là người thắng trận. Ông tái thống nhất Trung Quốc, mở đầu thời đại nhà Đường và được tôn xưng là Đường Cao Tổ. Tuy nhiên, các con ông lại đánh nhau để giành quyền thừa kế ngai vàng. Hai người con trai của ông là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đã thiệt mạng trong cuộc tranh giành quyền lực này. Lý Uyên chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là Lý Thế Dân, con trai đã trưởng thành duy nhất còn sống sót. Năm 626, Lý Uyên nhường ngôi cho Lý Thế Dân, người mà về sau đã đưa đất nước Trung Quốc quay trở lại thời thịnh vượng và vàng son.
Võ hậu cướp ngôi
Tuy nhiên, người thừa kế của Thái Tông Lý Thế Dân là Đường Cao Tông lại là một người ốm yếu nhu nhược, và là nguyên nhân làm cho Trung Quốc rơi vào xung đột và giết chóc. Quá trình hỗn loạn này bắt đầu khi người thiếp của Đường Cao Tông là Võ Tắc Thiên, tìm cách thúc đẩy ông ta đưa bà lên thay hoàng hậu. Võ Tắc Thiên dùng những phương cách truyền thống để tống khứ những kẻ đối nghịch, bà giết hoàng hậu cùng một số kẻ khác. Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng hậu, và bà đày ải, giết hại và bắt hàng chục quan chức lớn tuổi tự sát.
Đường Cao Tông phải chịu một sự khủng hoảng trong 11 năm cầm quyền của mình, trở nên yếu đuối và tầm thường. Võ Hậu củng cố hơn nữa quyền lực của mình. Bà giết các tôn thất họ Lý mà bà coi là đối thủ, và bà đưa các thành viên gia tộc của mình lên nắm quyền. Năm 690, bà phế truất chính người con của mình là Lý Đán để tự mình lên làm vua khi đã 67 tuổi, lập nên một triều đình ngắn ngủi với danh hiệu là Chu.
Võ Tắc Thiên là vị Nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bằng cách sử dụng những kẻ chỉ điểm, bà lập lên một chính quyền cai trị dựa trên sự sợ hãi. Bà thanh lọc các trí thức Khổng giáo và các thành phần chống đối khác. Nhưng bà cũng xây dựng lên một nền tảng chính trị bằng cách cung cấp đủ những nhu cầu công cộng và thăng chức cho những vị quan ủng hộ mình. Bà rất sùng kính đạo Phật và tập trung quanh mình những người đàn ông sùng đạo như bà, các nhà sư và ra lệnh dựng chùa ở mọi quận huyện.
Khi tuổi đã già, nữ hoàng họ Võ mất dần quyền kiểm soát triểu đình, và năm 705 các quan lại ở triều buộc bà rút lui để trả lại ngôi vua cho một người con của bà là Lý Hiển, vốn đã bị bà phế truất vào năm 684. Đường Trung Tông Lý Hiển trở lại ngai vàng và cai trị tới tận khi ông chết vào năm 710 - vợ ông, hoàng hậu họ Vi, bị nghi ngờ đã đầu độc ông. Vi hậu tìm cách cai trị giống như Võ hậu. Bà bán chức tước và quyền làm sư sãi, và bà cũng đứng đằng sau những vụ tham nhũng trong triều. Bà đã tạo ra các đối thủ mà bà không thể tiêu diệt, và họ đã tập hợp lực lượng để làm cuộc đảo chính giết chết Vi hậu, đưa vị vua vốn cũng bị Võ Tắc Thiên phế truất là Lý Đán trở lại ngai vàng.
Đến lượt các đồng minh này lại đánh nhau. Tuy nhiên, cuộc tranh giành quyền lực nhanh chóng kết thúc với ưu thế tuyệt đối của một hoàng tử nhà Đường, người được kế thừa ngôi vua vào năm 712, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.
Giai đoạn đỉnh cao dưới triều đại Đường Huyền Tông
Đường Huyền Tông lên nắm quyền ở tuổi 28 và ở ngôi 44 năm. Ông năng động và can đảm, và dưới thời ông, sự thịnh vượng quay trở lại. Nhưng vào những năm cuối đời ông ngày càng bị lôi cuốn vào tư tưởng Đạo giáo và không quan tâm đến cai trị nữa. Sau năm 745 ông say mê một người thiếp của mình là Dương Quý Phi và bỏ rơi triều chính. Triều đình trở nên hỗn loạn bởi sự tranh giành ảnh hưởng của các đại thần trong triều và các quân phiệt địa phương. Trung Quốc nhanh chóng lại rơi vào tình trạng suy sụp.
Sụp đổ
Trong cuộc tranh giành quyền lực triều đình, bất ngờ trỗi lên một lực lượng thứ ba. Đó là nhóm các vị hoạn quan. Nhóm này tỏ ra biết các luồn lách khéo léo, lợi dụng của hai bên kia để nắm được quyền lực triều đình. Ở những năm cuối của triều Đường, các hoạn quan hoàn toàn thao túng triều đình, thậm chí có thể lựa chọn người sẽ lên làm vua. Trong 22 vị hoàng đế của nhà Đường, thì đã có 10 vị do các hoạn quan lập nên. Tất cả đều ở những năm cuối cùng của triều Đường.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Thái giám trong cung rất sợ làm việc này cho phi tần, vừa mất sức vừa bị giày vò tâm trí
-
Phi tần bị đẩy vào lãnh cung lạnh lẽo, tại sao các thái giám lại tranh nhau hầu hạ? Hóa ra vì điều này
-
Thái giám “rởm” thông dâm với hoàng hậu “cắm sừng” hoàng đế: Được ví "lợi hại hơn Bồ Tát"
-
Thái giám rởm “đại náo” hậu cung: “Cắm sừng”, cướp ngôi, đoạt mạng hoàng đế
-
Sau khi được hoàng thượng thị tẩm, vì sao phi tần nào cũng cần được dìu về cung?