Trồng loài cây được xem là "thần dược của quý ông" trên quy mô lớn
Ba kích tím vốn là cây bản địa tốt cho sức khỏe, mọc rải rác tự nhiên trên những ngọn đồi, núi ở sườn Tây Yên Tử.
Theo Danviet, nhận thấy giá trị kinh tế lớn từ loài cây dược liệu này, anh Lê Văn Thuận (SN 1972) ở thôn Tảu, xã Long Sơn (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) đã tiên phong trồng ba kích tím quy mô lớn.
Trước đây, gia đình anh Thuận thuộc diện đặc biệt khó khăn ở xã Long Sơn, thiếu kiến thức canh tác lại không có vốn đầu tư nên cái nghèo đeo đẳng mãi.
Cuộc sống dần đổi thay khi vợ chồng anh chăm chỉ lao động, tích lũy kiến thức để tập trung phát triển kinh tế từ đồi, rừng.
Giờ đây, tài sản của gia đình anh là hơn 3ha trồng ba kích tím; ngoài ra còn hơn 3ha sâm nam cùng nhiều cây ăn quả khác.
Anh là người đầu tiên ở thôn Tảu trồng tập trung cây ba kích tím, loại cây dược liệu được ví là "thần dược của quý ông", với nhiều loại công dụng tốt cho sức khỏe.
Khu vườn xanh mướt dưới nắng thu, cách vài mét lại có vòi phun nước tự động thông minh, các giàn cho cây leo bám được thiết kế chắc chắn cho thấy sự đầu tư công phu, bài bản và cả tâm huyết của người trồng.
Được biết, trên diện tích này trước đây gia đình anh từng canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau. “Trồng keo, bạch đàn, hoa màu khác có lãi nhưng cây dược liệu quý như ba kích tím lại cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần. Nghĩ là làm, năm 2022 tôi bàn với gia đình quyết định chuyển đổi toàn bộ keo, bạch đàn, dồn sức cho cây trồng mới”, anh chia sẻ.
Những lo lắng trong bước đi đầu tiên ở cây trồng mới dần được tháo gỡ khi anh nhận được sự giúp đỡ tận tình của cán bộ hội nông dân các cấp trong tỉnh về giống, kỹ thuật, phân bón.
Thêm nữa, anh còn được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn ưu đãi để thuê máy móc cải tạo vườn tạp thành khu vực sản xuất tập trung.
Vất vả đưa nước rừng vào tưới cho cây ba kích tím
Khởi đầu với 2,5 ha trồng thử nghiệm, anh Thuận thấy loài cây mới nhanh chóng bén rễ sinh sôi, phát triển tốt nên tiếp tục cải tạo, chuyển đổi nốt phần diện tích đất đồi cằn cỗi còn lại gần 1,2ha sang trồng ba kích tím để tiện công chăm sóc.
Loài cây này không khó chăm sóc nhưng để đạt tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt đòi hỏi người trồng phải làm tốt các khâu từ chọn giống, làm đất.
Riêng về cây giống, anh chọn lựa kỹ với các tiêu chí cây không sâu bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển đầy đủ và còn nguyên bầu.
Vì là cây dược liệu lấy củ nên tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Những ngày nắng gắt, có thể dùng rơm rạ ẩm ủ gốc và tưới nước thường xuyên để "chống nóng" cho cây.
Khu vực canh tác có địa hình đồi núi cao, nước giếng khơi không đủ ngược dòng tưới cho hàng nghìn gốc ba kích tím.
Khi không thể thực hiện bài toán khoan giếng giữa rừng, nhiều ngày liền, người thân thấy anh đen xạm hẳn đi vì những chuyến một mình vào rừng tìm nước.
Cuối cùng trời không phụ công người nông dân kiên trì, bền bỉ, anh vỡ òa vui mừng khi tìm thấy mạch nước ngầm trên đỉnh núi, quyết đầu tư hơn 2.000m ống dẫn nước mát về tưới cho loài cây quý.
Sáng kiến đưa nước rừng về vườn ba kích đã khắc phục tình trạng khan hiếm nước tồn tại bao năm nay tại thôn Tảu.
Cùng bà con làm giàu từ cây ba kích
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và các huyện đưa nhiều cán bộ, hội viên đến học tập kinh nghiệm. Ba kích là dược liệu quý tốt cho sức khỏe nên thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Theo tính toán, 1 ha trồng hơn 20.000 cây ba kích tím, mỗi cây cho khoảng từ 3 - 4 củ, nặng từ 1,5 - 2kg.
Với giá bán củ ba kích rừng tươi được thương nhân mua tại vườn dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg thì dự kiến vài năm nữa sẽ đem về số tiền hàng tỷ đồng cho gia chủ.
Anh Thuận cho hay: “Thời gian qua nhiều hội viên nông dân các địa phương đến đây tìm hiểu kinh nghiệm trồng ba kích tím. Tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc cây sao cho hiệu quả cao nhất”.
Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn cho biết, xã có hơn 6,5 nghìn ha đất tự nhiên trong đó lâm nghiệp chiếm 88% nên địa phương có nhiều lợi thế phát triển cây lâm nghiệp, cây dược liệu.
Cùng với ba kích tím và một số cây dược liệu khác, UBND xã đang xây dựng chuỗi liên kết đưa Long Sơn trở thành vùng trồng tập trung quy mô lớn.
Thời điểm này, toàn xã có gần 12ha cây dược liệu, trong đó riêng hộ anh Thuận chiếm khoảng 30% diện tích. Đồng hành cùng nông dân, UBND xã đang chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Địa phương cũng xúc tiến phương án thành lập hợp tác xã chế biến sâu để góp phần khai thác đa tầng giá trị từ cây dược liệu, tăng nguồn thu và hiệu quả kinh tế.
Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiêu chí về thu nhập, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững để Long Sơn về đích xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Tác giả: Dương Ngọc
-
Ông nông dân trồng loại cây leo lấy hoa để ăn này thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm
-
Loại rau dại nghe tên mắc cười, đặc sản của miền Tây, trước vứt đi không hết, nay bán đắt hàng như tôm tươi
-
Chàng trai trẻ bỏ phố về quê trồng sen, kiếm 15 tỷ đồng/năm
-
Trên ruộng hoa nở, dưới ruộng cá bơi: Mô hình kết hợp nuôi trồng độc đáo giúp nông dân đổi đời
-
Anh nông dân lấy củ từ dưới bùn lên làm trà, bán hơn 400.000 đồng/kg