Tuổi thơ gắn liền bên những cánh đồng sen bát ngát ở làng Sen (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), nên anh luôn dành tình yêu đặc biệt với loài hoa này.
Anh Phạm Kim Tiến tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Nông nghiệp Việt Nam - một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu trong nước lĩnh vực nông nghiệp. Với nền tảng kiến thức vững chắc, anh đã trải qua nhiều nghề khác nhau, tích lũy được kinh nghiệm quý báu trong nhiều lĩnh vực.
Với mong muốn xây dựng và phát triển quê hương, anh đã quyết tâm bỏ phố về quê và bắt tay vào công việc mà anh luôn đam mê: Đó là trồng sen.
Khi quyết định về quê lập nghiệp, anh dành thời gian chăm sóc, sưu tầm các giống sen, tìm hiểu đặc tính sinh học và các sản phẩm khác nhau từ sen.
Năm 2013, anh Tiến quyết định đấu thầu một số ao đầm trong xã Kim Liên rồi đầu tư mua giống, phân bón để trồng sen với mong muốn phủ kín các ao hồ, ruộng lầy trong làng bằng các giống sen, tạo cảnh quan cho du khách thưởng ngoạn khi về thăm làng sen quê Bác.
Ngoài giống sen bản địa, chàng trai trẻ này còn thử nghiệm ươm nhiều giống sen khác nhau cả trong và ngoài nước tại những vùng ruộng thấp trũng dân làng không canh tác.
Với niềm đam mê và kiến thức chuyên sâu về nông nghiệp, năm 2019, anh Tiến sáng lập nên Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác, một mô hình tiêu biểu trong việc trồng, chăm sóc và bảo tồn các giống sen quý. Dưới sự dẫn dắt của anh, hợp tác xã đã nhanh chóng phát triển và đạt được nhiều dấu ấn.
Không chỉ sản xuất những sản phẩm chất lượng cao từ cây sen như chế biến các loại trà sen, sản phẩm từ hạt sen… anh Tiến còn chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển các giống sen quý, đóng góp vào việc duy trì giá trị văn hóa và sinh thái của loài hoa này. Hơn 10 năm "bỏ phố về quê" lập nghiệp, đến nay anh Tiến đã nhân giống được cả trăm loại hoa sen khác nhau trên diện tích 30ha.
Ngoài ra, hiện anh còn liên kết với người dân trên địa bàn trồng 40ha sen các loại. "Chúng tôi cung cấp giống, kỹ thuật và cách sơ chế cho người dân. Sau khi thu hoạch, người dân có thể bán bông hoặc sơ chế rồi bán lại cho chúng tôi. Nếu trồng đúng kỹ thuật, trồng sen đem lại kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa" - anh Tiến nói.
Thời gian qua, Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác cung cấp hàng vạn cây giống sen chất lượng cao cho các dự án cảnh quan, công trình đình, đền, chùa trên khắp Việt Nam.
Những cánh đồng sen xanh mướt không chỉ tô điểm cho cảnh quan mà còn tạo ra không gian sống xanh, sạch, góp phần bảo vệ môi trường.
Những nỗ lực của anh Tiến còn giúp cải thiện đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình, mang lại nhiều giá trị xã hội thiết thực.
Mùa thu hoạch sen bắt đầu từ khoảng đầu tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Sáng sớm, người dân bắt đầu ra ruộng thu hoạch sen để sơ chế. Sen được thu hoạch thường là những bông mới chớm nở, đây là thời điểm sen có hương thơm đỉnh điểm nhất.
Chị Nguyễn Thị Lan (trú làng Sen, xã Kim Liên) cho biết, tất cả các bộ phận trên bông sen đều được tận dụng triệt để để làm trà, ngoại trừ phần thân.
Những bông sen sau khi thu hoạch được tách từng bộ phận ra. Phần cánh sen được tách riêng, mang đi sấy khô trước khi ướp trà.
Những bộ phận còn lại trong bông sen sẽ được tách riêng từ tua sen, gạo sen, đài sen bao tử, tâm sen… để ướp thành các loại trà khác nhau.
"Túi tinh dầu nằm trên nhụy sen còn gọi là gạo sen, được tách riêng để ướp với một số loại trà Shan Tuyết. Để ướp với 1kg trà Shan Tuyết thì cần tới 800 - 1.600 bông sen mới đủ" - anh Tiến nói và cho biết đây cũng là sản phẩm cao cấp nhất của hợp tác xã.
Anh Tiến cho hay, ngoại trừ phần thân, những bộ phận còn lại trên cây sen đều được anh tận dụng triệt để. Chỉ riêng hạt sen đã được sản xuất thành nhiều sản phẩm như: hạt sen sấy khô, sữa hạt sen, hạt sen tươi…
Theo Người đưa tin, trong số 15 sản phẩm chế biến sâu từ cây sen của Hợp tác xã Sen quê Bác, có 11 sản phẩm được công nhận 3-4 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Theo anh Tiến, hiện các sản phẩm của hợp tác xã không chỉ được bán làm quà tặng khi du khách về với quê Bác mà đã có mặt ở khắp các thị trường trong Nam, ngoài Bắc, mang lại doanh thu hơn 15 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều sản phẩm cũng đã được xuất ngoại qua Hàn Quốc, Pháp theo đường tiểu ngạch và nhận được những phản hồi rất tích cực.