Trường hợp tăng mức hưởng Bảo hiểm y tế không cần cấp lại thẻ: Người dân cần biết

( PHUNUTODAY ) - Có một số trường hợp người tham gia được tăng mức hưởng bảo hiểm y tế mà không cần cấp lại thẻ.

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giấy tờ quan trọng của người dân được sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm. Có một số trường hợp người tham gia được tăng mức hưởng bảo hiểm y tế mà không cần cấp lại thẻ.

Trường hợp được tăng mức hưởng BHYT mà không cần cấp lại thẻ theo quy định mới nhất

Thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn 6394/BHXH-TST, trong đó có quy định về người được tăng mức hưởng bảo hiểm y tế mà không cần cấp đổi thẻ bao gồm:

- Đổi mã mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% sang 100% đối với người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (có mã đối tượng là KC) quy định tại Khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

- Đổi mã mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% sang 95% đối với người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (có mã đối tượng PV) quy định tại Khoản 19 Điều 3 Nghị định 146/2028/NĐ-CP.

Trường hợp này, Cơ quan bảo hiểm xã hội đã tự động cập nhật dữ liệu mã hưởng bảo hiểm y tế nhưng không cấp lại thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia. Người tham gia sử dụng ứng dụng VSSID để kiểm tra quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng theo quy định trên và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cũ hoặc căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh.

Đối tượng được hưởng 100% khi khám chữa bệnh BHYT

Người bệnh sẽ được hưởng mức BHYT khác nhau được phân theo đối tượng khám BHYT đúng tuyến và BHYT trái tuyến, cụ thể:

- Đối tượng hưởng 100% BHYT khi khám chữa bệnh đúng tuyến

Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, người tham gia BHYT được hưởng 100% nếu thuộc 3 nhóm chính:

Nhóm 1

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ; người đang công tác trong lực lượng CAND; chiến sĩ phụ vụ có thời hạn trong CAND; học viên được hưởng chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân sự; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân...

+ Những người có công với cách mạng;

+ Cựu chiến binh;

+ Trẻ em dưới 6 tuổi;

+ Đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;

+ Đối tượng thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sống trong vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại huyện đảo, xã đảo;

+ Thân nhân người có công với cách mạng; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;

Nhóm 2: Đối tượng khám chữa bệnh có chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã.

Nhóm 3: Đối tượng có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

- Đối tượng hưởng 100% BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến

Theo Luật BHYT quy định, từ 1/1/2016, tất cả những đối tượng tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện đều được hưởng 100%. Ngoài ra, người thuộc 2 đối tượng sau sẽ được hưởng BHYT như đúng tuyến dù khám trái tuyến.

+ Người tham gia BHYT điều trị nội trú khi tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám, chữa bệnh tỉnh trong phạm vi cả nước từ 1/1/2021.

+ Người tham gia BHYT sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo; người sống trong điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tác giả: Vũ Thêm