Từ tháng 2/2024, 7 trường hợp không mất phí đường bộ: Người dân cần biết

( PHUNUTODAY ) - Có nhiều trường hợp ôtô không mất phí đường bộ từ tháng 2/2024, ai cũng nên biết để đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Phí bảo trì đường bộ là loại phí chủ xe ô tô bắt buộc phải nộp. Tuy nhiên cũng có những ngoại lệ, có nhiều trường hợp ôtô không mất phí đường bộ từ tháng 2/2024, ai cũng nên biết để đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Phí đường bộ là gì?

Phí đường bộ (còn gọi là phí bảo trì đường bộ hay phí sử dụng đường bộ) là một loại phí mà chủ phương tiện giao thông phải nộp nhằm mục đích bảo trì, nâng cấp đường bộ để phục vụ cho các phương tiện.

Phí bảo trì đường bộ khác với phí cầu đường, loại phí để bù lại cho chi phí làm đường, được thu trực tiếp tại các Trạm thu phí BOT.

Các loại xe phải nộp phí bảo trì đường bộ

Theo Khoản 1 Điều 2 Thông tư 293/2016/TT-BTC đã quy định về đối tượng chịu phí bảo trì đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký lưu hành (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe) bao gồm: xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự. Như vậy, tất cả các loại xe ô tô đã đăng ký lưu hành đều phải nộp phí đường bộ, kể cả xe đã đăng ký nhưng không tham gia giao thông.

Những trường hợp ôtô không mất phí đường bộ từ tháng 2/2024

Nghị định 90/2023/NĐ-CP nêu rõ những trường hợp xe ôtô sẽ không phải chịu phí đường bộ kể từ ngày 1/2/2024. Cụ thể bao gồm:

- Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai.

- Bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe.

- Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên.

- Xe kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải (doanh nghiệp) tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên.

- Xe của doanh nghiệp không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ (chỉ được cấp giấy chứng nhận kiểm định và không cấp tem kiểm định theo quy định về kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải) hoặc xe đang tham gia giao thông, sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ (đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và cấp tem kiểm định theo quy định về kiểm định ATKT & BVMT) chuyển sang không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông, chỉ sử dụng trong phạm vi: Trung tâm sát hạch lái xe; nhà ga; cảng; khu khai thác khoáng sản; khu nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; công trường xây dựng (giao thông, thủy lợi, năng lượng).

- Xe đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên.

- Xe bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.

Các trường hợp nêu trên không chịu phí sử dụng đường bộ nếu có đủ hồ sơ đáp ứng các quy định tại Điều 8 Nghị định 90/2023/NĐ-CP.

Trường hợp xe ô tô đó đã được nộp phí sử dụng đường bộ, chủ phương tiện sẽ được trả lại số phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau tương ứng với thời gian không sử dụng đường bộ theo quy định. Không áp dụng các trường hợp này với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an.

Những trường hợp xe đầu kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không chịu phí sử dụng đường bộ

Theo quy định hiện hành tại Thông tư 70/2021/TT-BTC, các loại xe như xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự không chịu phí sử dụng đường bộ trong các trường hợp:

- Bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai; Bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; Bị tai nạn đến mức không thể tiếp tục lưu hành phải sửa chữa từ 30 ngày trở lên;

- Xe kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên;

- Xe ô tô của doanh nghiệp không tham gia giao thông, không sử dụng đường thuộc hệ thống giao thông đường bộ, chỉ sử dụng trong phạm vi Trung tâm sát hạch lái xe, nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, nông, lâm, ngư nghiệp, công trường xây dựng (giao thông, thủy lợi, năng lượng);

- Xe ô tô đăng ký, đăng kiểm tại Việt Nam nhưng hoạt động tại nước ngoài liên tục từ 30 ngày trở lên; Xe ô tô bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên.

Tác giả: Vũ Thêm