Dục Đức là ông vua thứ năm của triều đại nhà Nguyễn, chế độ phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước ta.
Kể từ khi được vua Gia Long sáng lập từ năm 1802, trải qua thời kỳ phát triển ổn định dưới thời các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và giai đoạn đầu của vua Tự Đức, triều Nguyễn bắt đầu suy yếu kể từ khi quân Pháp đổ bộ xâm lược năm 1858.
Vua Tự Đức vì mắc bệnh từ nhỏ nên cơ thể gầy yếu. Ông có tới 300 bà vợ, cung phi nhưng không có con. Không có người nối dõi, ông vua hay chữ phải chọn nuôi 3 con đều trong hoàng tộc, trong đó có vua Dục Đức sau này.
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua triều Nguyễn, vua Dục Đức (1852-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, sau được Tự Đức đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân.
Ông là con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga. Năm 17 tuổi, ông được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và cho xây dựng phòng riêng để học tập, giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên trông nom dạy bảo. Chỗ học của vua về sau được gọi là Dục Đức Đường. Năm 1883, ông được phong làm Thụy Quốc công.
Tài liệu của triều Nguyễn để lại rằng trong số 3 con nuôi của mình, vua Tự Đức yêu quý nhất và muốn truyền ngôi cho người con thứ ba là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con của Kiên thái vương và Nguyễn Thị Hương.
Nhưng lúc Tự Đức sắp mất, Ưng Đăng còn quá nhỏ, tình hình đất nước lúc bấy giờ (bị Pháp xâm lược) buộc phải chọn một ông vua lớn tuổi để chăm lo chính sự. Tự Đức phải chọn Nguyễn Phúc Ưng Chân, lúc này 32 tuổi.
Năm Tự Đức thứ 36 (1883), khi bệnh đã nan nguy, biết không thể qua khỏi, vua gọi ba phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lại để thảo chiếu nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Ưng Chân.
Thấy trong di chiếu viết vậy nên đại thần Trần Tiễn Thành đã dâng sớ xin vua Tự Đức bỏ đoạn nhận xét về tính xấu, tật xấu của Ưng Chân để đảm bảo uy tín cho tân quân. Nhưng vua Tự Đức không chịu, mà cho rằng phải nhắc nhở như thế cho Ưng Chân răn mình.
Hai ngày sau thì vua Tự Đức mất. Hoàng tử Ưng Chân tiếp chiếu lên ngôi vua và lấy hiệu là Dục Đức, rồi cùng bàn với ba vị Phụ chính đại thần rằng trong lễ đăng quang, bỏ đoạn ấy đi, không đọc. Và cả ba vị đại thần đều đồng ý. Nhưng trong buổi đại lễ, Trần Tiễn Thành đã xổ giọng trầm khi ngang đoạn ấy thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết không chịu, bắt Nguyễn Trung Hợp đọc lại đầy đủ rồi truyền đánh trống bãi triều. Hai ngày sau, Nguyễn Văn Tường dâng sớ lên Hoàng Thái hậu đòi truất phế Dục Đức vì 4 tội:
Cắt đoạn trong di chiếu. Đưa một giáo sĩ vào làm việc cho mình. Đang có tang cha mà mặc áo màu. Gian dâm với cung nữ của tiên đế.
Thế là mới lên ngôi được ba ngày, vua Dục Đức đã phải vào ngục tối. Từ đó, cuộc sống bị tù của Dục Đức quá bi thảm, ăn uống quá kém, thiếu nước, thiếu cơm.
Thương tình vua cũ, những người lính canh thỉnh thoảng nhét cho ít cơm nắm cùng chiếc áo rách đã nhúng nước để nhà vua vắt ra lấy nước uống. Sống trong cảnh cùng cực đó, vua thoi thóp không đến một tháng thì qua đời.
Tệ hại hơn là sau khi chết, xác của vua Dục Đức chỉ được bó trong một chiếc chiếu cũ để mang đi chôn. Đoàn đưa đám chỉ có ba người, gồm hai tên lính khiêng thi hài và người thứ ba là một viên xuất đội đi trong đêm khuya đầy mưa gió. Thi hài của vua Dục Đức được vùi trên một quả đồi. Ba ngày sau vợ con của vua Dục Đức mới biết tin và làm lễ tang.
Sáu năm sau, tức là vào năm 1889, khi con của vua Dục Đức là Nguyễn Bửu Lân được lên làm vua, hiệu Thành Thái mới khôi phục danh hiệu cho cha mình là “Cung Tôn Huệ Hoàng đế” và xây dựng lăng cùng với nhà thờ cho vua Dục Đức. Hiện nay lăng và nhà thờ của vua Dục Đức còn ở vùng An Cựu.