Toán học đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống, giúp phát triển tư duy của con người. Tuy vậy, thời phong kiến môn học này lại không được coi trọng. Mãi đến thời nhà Hồ, toán học mới được đưa vào nội dung thi cử chính thức trong triều đình phong kiến.
Hồ Quý Ly - Vị vua đầu tiên đưa môn Toán vào trong nội dung khoa cử ở Việt Nam
Hồ Quý Ly sinh năm 1336 tại Đại Lại, Vĩnh Lộc, nay là xã Hà Đông thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ông tên thật là Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên, ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử Việt về lĩnh vực giáo dục và văn hóa.
Ông là người tiên phong sử dụng chữ Nôm để tiến hành truyền bá văn hóa dân tộc. Ông đã thông qua việc dịch các kinh, thư, thi và đặc biệt là đã dịch thiên “Vô dật” trong Kinh thư ra chữ Nôm để tiến hành dạy cho vua và hoàng tử, cũng như tất cả các con cái của quan lại trong triều. Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn soạn sách "Thi nghĩa" bằng chữ Nôm để giải thích cụ thể về Kinh thi và sáng tác nhiều thơ ca bằng chữ Nôm.
Nhà Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn trong vòng 7 năm (1400-1407) với 2 đời vua đó là: Vua Hồ Quý Ly (1400) và Hồ Hán Thương (1401-1407). Mặc dù chỉ tồn tại ở trong thời gian ngắn ngủi nhưng triều đại nhà Hồ cũng đã để lại những dấu ấn sâu sắc, có những cải cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục.
Ngay từ khi chưa lên ngôi, Hồ Quý Ly cũng đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của mìnhđến việc cải tổ giáo dục và thi cử. Năm 1396, ông đã cho sửa đổi chế độ thi cử và thiết lập kỳ thi hương ở các địa phương cũng như kỳ thi hội tại kinh thành. Những người vượt qua kỳ thi hội sẽ còn phải hoàn thành một bài văn do vua đề ra để có thể xác định thứ bậc.
Đáng chú ý, Hồ Quý Ly đã loại bỏ trường thi ám tả cổ văn và sau đó thay thế bằng thi kinh nghĩa trong 4 trường thi. Đồng thời, ông ra lệnh đặt thêm trường thứ năm để thi viết chữ và Toán học. Với những cải cách này, Hồ Quý Ly đã chính thức trở thành người đầu tiên đưa Toán học vào trong nội dung khoa cử của lịch sử Việt Nam. Những thay đổi này cũng đã trở thành nền tảng cho hệ thống thi cử của nước Đại Việt suốt nhiều thế kỷ sau.
Ngoài giáo dục, Hồ Quý Ly còn tiến hành rất nhiều cải cách khác trong các lĩnh vực hành chính, luật pháp và kinh tế. Những cải cách này được đánh giá là đi trước thời đại. Tuy nhiên, do những thủ đoạn của ông để giành ngôi của nhà Trần, ông không nhận được sự ủng hộ từ quần chúng nhân dân, dẫn đến sự thất bại nhanh chóng của các cải cách. Năm 1407, trước sức ép xâm lược từ nhà Minh Trung Quốc, triều đại nhà Hồ sụp đổ, đánh dấu sự chấm dứt của quốc hiệu Đại Ngu chỉ sau bảy năm tồn tại.
Ngày nay, thành nhà Hồ vẫn còn đó và vẫn được tôn thờ như một di sản quý giá, tượng trưng cho sự phát triển trong kiến trúc cũng như kỹ thuật xây dựng, cùng với sự nỗ lực cải cách và xây dựng đất nước của vua Hồ Quý Ly. Các cải cách của ông mặc dù ban đầu không được nhân dân công nhận nhưng đã được lịch sử đánh giá lại và ghi nhận đó là một cách đúng đắn.
Tác giả: Vũ Thêm
-
Vị vua nào ăn hàng, vay nợ khắp nơi có biệt danh là Chúa Chổm trong lịch sử Việt Nam?
-
Dưới thời vua này, nước Việt thái bình không có trộm cắp, đêm ngủ không bao giờ phải khóa cửa. Đó là vua nào?
-
Cuộc đời đầy bi kịch của vị hoàng đế nhường ngôi cho con gái để xuất gia
-
4 vị vua nào trong lịch sử Việt Nam cùng đăng cơ vào đúng ngày Mùng 1 Tết?
-
Vị vua trẻ nhất sử Việt, mới hơn 1 tuổi đã ngồi ngai vàng là ai?