Ở nước ta, tên các vị danh nhân thường được dùng để đặt cho xã, phường, các con đường. Theo danh sách đơn vị hành chính của Tổng cục Thống kê, có một vị danh nhân được lấy tên để đặt cho 25 xã, phường thuộc 17 tỉnh, thành trên cả nước. Đó chính là Quang Trung.
Những tình, thành phố có xã, phường được đặt tên là Quang Trung bao gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà GIang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Bình Định, Đồng Nai.
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm 1753 (cũng có tài liệu ghi là 1752) tại phủ Quy Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) và mất năm 1792. Ông là hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, bên cạnh Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc.
Trong lịch sử dân tộc, Quang Trung là cái tên nổi bật nhất trong lĩnh vực quân sự. Ông là thiên tài quân sự, có chiến thuật khiến kẻ địch mới nghe danh đã phải run sợ.
Trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, Quang Trung cùng với Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lũe chấm dứt nội chiến Trịnh - Nguyễn, lật đổ hai triều đại phong kiến này và nhà Hậu Lê.
Quang Trung cũng là người có công đẩy lùi cuộc xâm lược Đại Việt của quân Xiêm La (ở phía Nam) và Đại Thanh (ở phía Bắc). Đặc biệt, trong lịch sử Việt Nam, Quang Trung cũng được ghi nhận là vị vua chưa từng thất bại khi ra trận.
Theo đó, một trong những trận chiến quan trọng trong lịch sử dân tộc diễn ra dưới sự lãnh đạo của Quang Trung mà chúng ta phải kể đến chính là trận đánh với quân Thanh. Năm 1788, vua Càn Long đã đưa hơn 29 vạn quân Mãn Thanh ồ ạt tiến vào miền Bắc. Thời điểm này, Quang Trung đưa 10 vạn quân ra Bắc để bảo vệ đất nước. Trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa, tuy có sự chênh lệch lớn về số lượng quân nhưng dưới sự lãnh đạo của Quan Trung, quân ta đã chiến thắng vẻ vang, quét sạch hơn 29 vạn quân Thanh. Sau đó, ông lên ngôi vua và lập ra triều đại Tây Sơn.
Trong việc trị quốc, Quang Trung cũng đưa ra nhiều chính sách cải cách kinh tế, xã hội nổi bật và được quần thân, dân chúng ủng hộ. Ông cũng là đề ra nhiều kế hoạch cải cách nhằm xây dựng đất nước Đại Việt hùng cường.
Tuy nhiên, vua Quang Trung mất khá sớm. Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi ông còn nhiều dự định chưa thể thực hiện. Người dân vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của vị vua tài ba, đức độ nên khắp nơi xây dựng lăng, điện thờ, dựng tượng đài để tưởng nhớ công ơn của một vị vua có công lãnh đạo, bảo vệ đất nước. Các chiến tích của vua Quang Trung vẫn được đời sau tiếp tục ca ngợi.