Vị vua nào ăn chơi nhất sử Việt, mở sòng bạc ngay tại hoàng cung?

( PHUNUTODAY ) - Có một vị vua theo ghi nhận của lịch sử là người ăn chơi phóng đãng, tới mức mở sòng bạc ngay tại hoàng cung.

Triều đại nhà Trần là triều đại lẫy lừng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Triều đại nhà Trần bắt đầu bắt đầu khi vua Trần Thái Tông lên ngôi năm 1225 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Lý, trải qua 175 năm với 12 triều vua và thời hậu trần 7 năm có 2 đời vua.

Có thể nói việc chuyển giao nhà Lý sang nhà Trần là một cuộc chuyển giao quyền lực nhẹ nhàng nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Bởi nhà Lý đã suy yếu, không thể tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo đất nước của mình. Năm 1225, Trần Cảnh lên ngôi mở đầu cho vương triều nhà Trần. Nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng Trần Thái Tông – vị vua đầu triều nhà Trần chính là người đã đặt nền móng cho một triều đại lừng lẫy trong lịch sử.

Ngay từ khi lên ngôi, mở ra triều đại nhà Trần, vua Trần Thái Tông đã nhanh chóng khắc phục những hậu quả do khủng hoảng cuối nhà Lý gây ra, đặc biết ông khuyến khích nông dân khai hoang, chăm lo việc trị thủy, theo đuổi chính sách khoan thư sức dân. Những chính sách này đã thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân ấm no. Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Thị Phương Chi thì đây là một triều đại biết trọng dụng nhân tài, biết thu phục lòng dân.

Có thể nói, sự ra đời của nhà Trần thực sự là một bước ngoặt lớn của nước Đại Việt thời phong kiến. Nhà Trần cũng chính là triều đại đã làm nên hào khí Đông A – Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức xây dựng nên một triều đại lẫy lừng trong lịch sử dân tộc. Cũng có lúc lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, tưởng như đất nước bị giày xéo dưới vó ngựa quân Nguyên Mông, thế nhưng nhờ sự sáng suốt của vị vua đầu triều và sự quả cảm của quần thần mà vận nước vẫn vững vàng sau 3 lần đánh thắng xâm lăng.

Bị ép cưới chị dâu

Trần Thái Tông (húy là Cảnh), là con thứ của Trần Thừa, mẹ họ Lê. Năm 8 tuổi, Trần Cảnh được chú là Trần Thủ Độ đưa vào hầu trong cung. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Chiêu hoàng trông thấy thì yêu. Năm Ất dậu 1225, mùa đông, tháng 12, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu làm Kiến Trung". Sau hơn 10 năm làm vợ chồng, Lý Chiêu Thánh không sinh được con. Trần Thủ Độ vì thế ép Trần Thái Tông lấy vợ của anh trai là Thuận Thiên công chúa làm hoàng hậu. Khi ấy, Thuận Thiên mang thai 3 tháng với Trần Liễu, chồng bà. Vua Trần Thái Tông trong lòng áy náy, ban đêm ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân trên núi Yên Tử rồi ở lại đó. Hôm sau, Trần Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh sư nhưng nhiều lần bị từ chối. Thủ Độ bèn bảo mọi người "Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó" rồi cắm nêu trong núi sai người xây dựng hoàng thành. Trần Thái Tông sau đó phải thuận theo Thủ Độ về kinh, cưới chị dâu làm hoàng hậu.

Vị vua nổi tiếng ăn chơi thời kỳ nhà Trần, từng cho mở sòng bạc ngay tại hoàng cung?

Trần Dụ Tông là vị vua thứ 11 của nhà Trần. Sau khi vua Trần Hiển Tông mất sớm, Trần Dụ Tông được thượng hoàng Trần Minh Tông đưa lên làm vua năm 1336. Trong giai đoạn đầu có Thượng hoàng Minh Tông triều chính ổn định, nhưng khi vua cha mất, tự mình nhiếp chính, Trần Dụ Tông lao vào những cuộc ăn chơi trác táng. Dù luật pháp triều Trần nghiêm cấm việc đánh bạc, nhưng Trần Dụ Tông vẫn ngang nhiên mở sòng bạc ngay tại hoàng cung để cùng các đại thần chơi trò đỏ - đen, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết lại. Khi ấy một sứ giả Phương Bắc phải lắc đầu về thói ăn chơi của vua Trần Dụ Tông, "hoàng đế nước chúng tôi cũng khó sánh kịp".

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 10 năm Qúy Mão (1363), Trần Dụ Tông sai người “đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung, xếp đá làm núi, bốn mặt đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng tùng, trúc, thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ, nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế, lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh. Lại đào riêng một hồ nhỏ khác, sai người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi”.

Bản thân nghiện rượu nên vua Trần Dụ Tông cũng thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được ông thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo uống dối được trăm thăng rượu, Dụ Tông tin là thật, nên ban thưởng cho y. Quan gia thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo quan gia khiến triều đình rối nát. Bên ngoài xảy ra mất mùa trong nhiều năm.

Vua Trần Dụ Tông vì ăn chơi vô độ, nên sức khỏe ngày càng suy kiệt. Ông mất vào năm Kỷ Dậu 1369, hưởng dương được đúng 33 tuổi, tổng cộng ở ngôi được 28 năm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết, cũng vì ăn chơi hưởng lạc, Trần Dụ Tông không có con nối dõi, buộc phải nhận Trần Nhật Kiên (con của anh trai Trần Nguyên Dục) làm con nuôi, là người nối dõi. Oái ăm thay, Trần Nhật Kiên lại không phải là con ruột của Trần Nguyên Dục. Bởi mẹ của Trần Nhật Kiên đã mang thai với người chồng họ Dương trước khi trở thành tỳ thiếp của Trần Nguyên Dục. Tên chính thức của Trần Nhật Kiên là Dương Nhật Lễ. Vậy là từ thân phận con một đào hát, Dương Nhật Lễ trở thành hoàng đế nhà Trần. Đây là trường hợp hy hữu trong nghìn năm sử Việt.

Tác giả: Thạch Thảo