Bộ Văn hóa:Dư luận thấy Đàm Vĩnh Hưng chưa nhận lỗi thật

( PHUNUTODAY ) - "Qua sự việc lần này, tôi thấy Đàm Vĩnh Hưng phải có thái độ hết sức cầu thị cho mình".

"Qua sự việc lần này, tôi thấy Đàm Vĩnh Hưng phải có thái độ hết sức cầu thị cho mình. Hình ảnh người nghệ sĩ không chỉ bằng giọng hát, mà bằng cả những hành vi, những ứng xử có văn hóa để công chúng yêu mến quý trọng. Chứ đừng nghĩ mình có giọng hát hay mà người ta  yêu quý", ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết xung quanh vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn sư thầy.
[links()]
PV: - Dư luận đang rất ồn ào và lên án ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng "khóa môi" sư thầy ngay trên sân khấu tối 4/10 vừa qua. Công luận cho rằng đó là hành vi càn quấy, phản cảm và trái với thuần phong mỹ tục của người Việt, đặc biệt là trong tín ngưỡng Phật giáo. Là người phát ngôn của Bộ VHTTDL, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Phan Đình Tân: - Theo tôi trong vụ việc này cả "Sư và Sĩ" đều có lỗi.

Thứ nhất, ca sĩ là nam nhưng có những biểu hiện đồng tính thì hoàn toàn không hợp với thuần phong mỹ tục và càng không phù hợp khi thực hiện hành vi đó nơi công cộng, văn hóa Việt Nam chưa thừa nhận những hành vi như thế.

Thứ hai, trong chuyện này ứng xử của nhà sư cũng không được. Trong Phật giáo có những cấm kỵ, có những quy định riêng mà những người tu hành phải tuân phục. Trong trường hợp này, các thầy có thể tránh, có thể khước từ kể cả việc tham gia đấu giá chai rượu. Cả ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và hai sư thầy nên xem xét lại mình sau sự việc này.

Hai nhà sư sám hối khi sự việc đáng tiếc xảy ra.
Hai nhà sư sám hối khi sự việc đáng tiếc xảy ra.

PV: - Trong khi các nhà sư đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc trong chùa để sám hối về lỗi này thì ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ viết một thư ngỏ trịch thượng không thừa nhận đó là lỗi ứng xử, coi thường dư luận. Ông nhận xét gì về bức thư đó?

Ông Phan Đình Tân: Tôi có đọc một phần bức thư Đàm Vĩnh Hưng gửi tới công chúng và cũng như dư luận đánh giá là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chưa thật sự nhận lỗi.

PV: - Trong các sự cố showbiz thì vụ khóa môi nhà sư ngay trên sàn diễn có thể nói chưa có tiền lệ từ trước tới nay?

Ông Phan Đình Tân:-  Xét về các sự cố showbiz thì vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khóa môi nhà sư ngay trên sàn diễn từ trước tới nay chưa có tiền lệ ở Việt Nam và trong các quy định cũng chưa đề cập rõ ràng những chuyện như thế này.

PV: - Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL vừa xử phạt Đàm Vĩnh Hưng 5 triệu đồng. Rất nhiều người cho rằng, mức phạt đó quá nhẹ. Ý kiến của ông về chuyện này như thế nào?

Ông Phan Đình Tân: - Các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang căn cứ vào quy định của Pháp luật để xử lý hành vi vượt quá giới hạn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, mọi hình thức xử phạt đều hướng tới tính giáo dục, răn đe, không nên để người ta lâm vào đường cùng và càng không thể đi quá giới hạn pháp luật cho phép.

Một người nghệ sĩ chân chính luôn mong muốn được khán giả yêu mến, nên hình phạt lớn nhất đối với người nghệ sĩ chính là sự quay lưng của khán giả. Sự phản đối, không ủng hộ của khán giả. Bởi với con người, lương tâm căn rứt mới là ghê gớm. Hình phạt tình cảm mới là đau đớn nhất.

Tuy nhiên, qua sự việc lần này, tôi thấy Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phải có thái độ hết sức cầu thị cho mình để hình ảnh người nghệ sĩ không chỉ bằng giọng hát, mà bằng cả những hành vi, những ứng xử đẹp, văn hóa và văn minh để công chúng yêu mến quý trọng. Đừng nghĩ mình chỉ cần có giọng hát hay mà người ta quý, yêu mến.

PV:- Theo ông, sau trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn sư thầy, Bộ văn hóa sẽ sửa đổi và bổ sung những quy định cho phù hợp với thực tiễn hoạt động biểu diễn nghệ thuật?

Ông Phan Đình Tân:- Mỗi văn bản pháp luật được đưa ra để đáp ứng những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể và sau đó trong quá trình thực hiện sẽ có những điều chỉnh khi phát hiện những kẽ hỡ, lỗ hổng.

Vụ việc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa qua cũng đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước những cân nhắc trong việc sửa đổi và bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nghệ sĩ và công chúng thưởng thức.

Ở Bộ VHTTDL có thành lập một tổ điểm báo theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Tất cả những bài báo phản ánh tốt và xấu liên quan đến ngành văn hóa đều được tổng hợp và báo cáo đến lãnh đạo Bộ, chuyển đến các đơn vị chức năng để kịp thời xử lý.

Hàng tháng, chúng tôi đánh giá bao nhiêu bài báo phản ánh đúng, bao nhiêu bài báo phản ánh không đúng và bao nhiêu bài báo suy diễn để có những hướng xử lý, trao đổi để tăng cường công tác quản lý nhà nước thông qua dư luận và báo chí.

PV: - Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhân danh một show diễn từ thiện để thực hiện hành vi “hôn sư” ngay trên sân khấu cho tất cả mọi người đều thấy, theo ông, có phải cứ nhân danh biểu diễn từ thiện thì được hưởng “đặc ân” muốn làm gì thì làm không, kể cả những hành vi trái thuần phong mỹ tục và sai trái với tín ngưỡng phật giáo của người Việt?

Ông Phan Đình Tân:- Theo tôi, không nên đặt vấn đề như vậy, nó hơi nặng nề, cần có sự phân định rõ ràng hơn.

Hành vi đó nên cắt riêng ra, không nên lấy chuyện này để áp vào chuyện kia. Trong mỗi con người đều có cái xấu và cái tốt. Không ai hoàn toàn tốt và cũng không ai hoàn toàn xấu cả. Có người rất tốt, nhưng đôi khi có những hành động chưa chuẩn mực và ngược lại, có những người xấu nhưng cũng có những hành động đẹp và cao thượng.

Tôi chưa gặp trực tiếp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để tìm hiểu cụ thể sự việc và để nghe ca sĩ giải thích ra sao, nhưng cũng không nên luận ra Đàm Vĩnh Hưng có ý đồ xây dựng buổi từ thiện đó để làm những hành vi trái với thuần phong mỹ tục khi chưa có cơ sở.

Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Qua sự việc lần này, tôi thấy Đàm Vĩnh Hưng phải có thái độ hết sức cầu thị cho mình".


PV: - Có rất nhiều nghệ sĩ bước chân vào chùa thắp hương khấn phật nhưng ăn mặc lố lăng, hớ hênh….đều bị công luận lên án, với hành vi ‘hôn sư’ ngay trên sân khấu trước hàng ngàn cặp mắt chứng kiến, theo ông, hành vi này nói lên điều gì vậy?

Ông Phan Đình Tân: Theo tôi, hành vi này là cách biểu hiện tình cảm thái quá mà không đúng chỗ, không phù hợp với chuẩn mực văn  hoá Việt Nam. Tuy nhiên, để đánh giá hiện tượng đó nói lên điều gì nữa thì chúng ta cần phải phân tích kỹ hơn và khách quan, công bằng hơn, tránh áp đặt và quy chụp.

Tôi không ủng hộ cho những chuyện ăn mặc phản cảm khi vào những chỗ linh thiêng vì phải có một chuẩn mực văn hoá và văn minh.

Tuy nhiên, như thế nào là lố lăng thì cần phải cân nhắc. Có nhiều nghệ sĩ vào chùa ăn mặc sặc sỡ, tuềnh toàng nhưng người ta có cái tâm hướng thiện còn hơn một số người ăn mặc rất đoàng hoàng nhưng có những động cơ không trong sáng như mua thần bán thánh, cầu phúc cầu lợi cho bản thân mình, thậm chí cầu những điều độc ác, tai họa đến những người khác.

Cho nên biểu hiện và hình thức bên ngoài chưa nói lên điều gì cả. Đừng nhìn những người đầu tóc bờm xờm, rách rưới mà nói người ta xấu hoàn toàn. Trong thực tế nhiều người giản dị, thậm chí rách rưới nhưng tâm hồn và hành động của họ rất đẹp và đáng cảm phục.
 

Hai nhà sư bị Mr Đàm khóa môi đồng tính là ai?

 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

  • Phạm Lý (Thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn