Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh được mọi người biết đến với quần thể chùa Yên Tử, nơi khởi phát thiền phái Trúc Lâm cùng khu di tích lăng mộ của nhà Trần." />

Giải mã chiếc hộp hoa sen bằng vàng thời Trần

( PHUNUTODAY ) - align: justify;">Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh được mọi người biết đến với quần thể chùa Yên Tử, nơi khởi phát thiền phái Trúc Lâm cùng khu di tích lăng mộ của nhà Trần.

Đời sống) - Ngày 21/6/2012, một cổ vật nhà Trần “xứng đáng được xếp vào hàng bảo vật Quốc gia” đã phát lộ trước mắt nhà sư Thích Quảng Hiển, trụ trì chùa Trung Tiết (Đông Triều, Quảng Ninh) khi vị sư này cùng đoàn hành hương đi qua con đường Trại Lốc, thuộc xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) để lên núi Ngọa Vân bái Phật. Đó là chiếc hộp hình hoa sen, được chế tác bằng vàng ròng nằm khuất lấp dưới lớp bùn đất được máy xúc, máy ủi đào lên khi làm đường.
 
Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh được mọi người biết đến với quần thể chùa Yên Tử, nơi khởi phát thiền phái Trúc Lâm cùng khu di tích lăng mộ của nhà Trần.
 
Tương truyền, con đường Trại Lốc ngày nay cũng chính là con đường mà Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông thường đi để lên với chùa Ngọa Vân (Đông Triều, Quảng Ninh) tu hành và hóa Phật. Vì thế, chiếc hộp bằng vàng hình hoa Sen phát lộ trước mắt nhà sư đã khiến  câu chuyện về “cơ duyên” giữa chiếc hộp bằng vàng và Phật giáo trở nên huyền bí.
 
Nhân duyên từ giấc mơ lạ
Cổ vật bằng vàng thời Trần được phát lộ
Cổ vật bằng vàng thời Trần được phát lộ
 
Để tìm hiểu về câu chuyện chiếc hộp bằng vàng ròng được phát hiện, tôi đã tìm đến ngôi chùa Trung Tiết (Đông Triều, Quảng Ninh) để gặp nhà sư Thích Quảng Hiển, người đã phát hiện ra chiếc hộp quý báu này.
 
“Chùa Trung Tiết, hay còn gọi là chùa Tuyết thờ hai vị bề tôi trung thành của vua Trần Anh Tông, đó là Đặng Tảo và Lê Chung, còn chùa Ngọa Vân nằm trên núi Bảo Đài, xã Bình Khê thờ vị vua Trần Nhân Tông – Đệ nhất Tổ thiền phái Trúc Lâm. Tôi và các du khách vẫn thường hành hương lên đó bái Phật…
 
Ngày 21/6, trên đường hành hương đến cụm di tích Ngọa Vân, qua đoạn khu Suối 1, xã An Sinh, chân tôi vấp phải một vật cứng. Vì đường đang thi công, có rất nhiều đá nằm ngổn ngang nên tôi không để ý và cùng các tăng ni phật tử tiếp tục hành trình. Đi khoảng 10m, linh cảm có điều khác lạ, tôi quay lại, thì ra vật vừa bỏ qua không phải là đá mà là một chiếc hộp nhỏ màu nâu. Tôi mang ra suối rửa sạch lớp bụi bẩn thì thấy hộp tỏa ra thứ ánh sáng màu vàng”, nhà sư Thích Quảng Hiển mở đầu câu chuyện. Rồi ông hướng đôi mắt ra phía xa, nhìn về quả núi trước mặt, nơi xây dựng chùa Ngọa Vân.
 
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1320, để tưởng nhớ công lao của hai người bề tôi trung thành đã giúp rất nhiều công sức gây dựng nên triều đại nhà Trần hùng mạnh, vua Trần Nhân Tông đã cho dựng chùa và ban tên chùa là Trung Tiết tự. Trải qua gần 700 năm với nhiều biến động của thiên nhiên, lịch sử, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng.
 
Với giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm, vị sư Thích Quảng Hiển tiếp lời: “Cách đây 3 năm, rất nhiều đêm tôi nằm mơ thấy có một ông già râu tóc bạc phơ đi vào chùa đưa cho tôi một túi vàng và nói là để sửa chữa chùa.
 
Thời gian qua đi, nhưng tôi chẳng thấy có ai đưa cho mình túi vàng nào cả. Tưởng đó chỉ là giấc mơ bình thường nhưng đến khi tôi vô tình nhặt được chiếc hộp bằng vàng, linh tính đó là vật quý hiếm nên tôi đã thông báo lên chính quyền địa phương và bàn giao cho UBND huyện Đông Triều bảo quản và lưu giữ. Không hiểu có cơ duyên gì hay không nhưng sau đó tôi có nghe một người lái máy xúc ở đấy kể lại ông ấy đã từng đá phải chiếc hộp vào ngày hôm trước mà chẳng mảy may suy nghĩ”.
 
Câu chuyện thầy Hiển nhặt được chiếc hộp quý càng trở nên kỳ lạ hơn nữa khi nắp của chiếc hộp bỗng dưng biến mất rồi tìm về với chủ cũ. Thầy Hiển cho biết: “Sau khi nhặt được chiếc hộp, tôi đã bảo quản rất kỹ càng. Nhưng mấy hôm sau, vào một buổi sáng, tỉnh dậy tôi thấy chiếc nắp  hộp đã biến mất mặc dù nó được chốt rất chắc với phần thân hộp.
 
Nếu là có trộm thì chắc chắn sẽ lấy cả phần thân chứ không chỉ lấy phần nắp. Không tìm ra nguyên nhân nắp hộp biến mất nên tôi đành bàn giao lại chiếc hộp cho UBND huyện mà có mỗi phần thân. Sau đó mấy hôm thì nắp chiếc hộp bỗng dưng xuất hiện trước mắt tôi trong một lần tôi đang đi vào trong gian phòng ngủ của mình. Hiện tại, tôi đã bàn giao đầy đủ phần thân và phần nắp hộp cho chính quyền địa phương”.
 
Bà Nguyễn Thị Viễn, trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Đông Triều cho biết: Chiếc hộp được nhà sư phát hiện là do những chiếc máy xúc đào ra khi đang thi công công trình làm đường lên chùa Ngọa Vân. Sau khi được tiếp nhận chiếc hộp, Phòng Văn hóa đã kết hợp với UBND huyện Đông Triều mời chuyên gia ở Trung tâm nghiên cứu Kinh thành Thăng Long về nghiên cứu. Sau khi có kết quả nghiên cứu, Phòng Văn hóa đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa xếp chiếc hộp bằng vàng hình hoa sen thành “bảo vật Quốc gia”.
Nhà sư Thích Quảng Hiển
Nhà sư Thích Quảng Hiển
Biểu trưng cho sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam
 
Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh, cán bộ Trung tâm nghiên cứu Kinh thành Thăng Long – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam là một trong những người được UBND huyện Đông Triều mời về để nghiên cứu chiếc hộp bằng vàng này.
 
Ông Anh cho biết: Chiếc hộp được chia thành 2 phần: nắp và thân. Chiều cao toàn thân là 4,20 cm. Trong đó phần thân cao 2,84-3,20 cm, chân đế cao 0,60 cm; đường kính miệng 4,90 cm, đường kính thân (chỗ lớn nhất) 5,10 cm, đường kính chân đế 3,50 cm. Sau khi giám định thì thấy chiếc hộp được làm hoàn toàn bằng vàng ròng, có trọng lượng tương đương 15,04 chỉ vàng.
 
Ngày 9/10/2012, Hội đồng Giám định cổ vật (Bộ VHTTDL) đã tiến hành giám định chiếc hộp kim loại màu vàng nói trên trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở VHTTDL, Công an tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Đông Triều.
 
Cũng có mặt tại buổi giám định hôm đó, PGS.TS Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nói: Toàn thân hộp được trang trí hoa văn cánh sen. Tất cả tạo cho chiếc hộp vẻ của một bông sen đang độ mãn khai. Giữa nắp hộp là một đài sen được tạo tác rất công phu với 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm. Lớp cánh ngoài cùng có 11 cánh, lớp thứ hai 33 cánh, lớp thứ ba 28 cánh, lớp trong cùng 15 cánh. Ở tâm, núm nắp hộp như đài sen nhỏ. Xen kẽ giữa các lớp cánh sen là đường chỉ nổi và riềm văn chấm tròn như nhụy hoa tạo nổi rất tinh tế.
 
“Nhưng độc đáo và đặc sắc nhất của chiếc hộp này là bên trong tất cả các cánh sen (từ nắp đến thân) đều được chạm khắc chìm hoa chanh 4 cánh. Xung quanh hoa chanh điểm xuyết những cành lá mềm, các vòng tròn nhỏ để tạo kiểu nền gấm. Bao quanh các đường riềm của từng cánh sen cũng được trang trí hoa văn dây lá mềm rất công phu và đẹp.
 
Chiếc hộp chắc chắn phải được tạo ra từ tay một nhà nghệ thuật tài ba và hết sức công phu”, ông Chiến nhận định và cho biết thêm, qua so sánh phong cách trang trí trên hộp, đặc biệt với hoa văn cánh sen nổi và loại hoa văn hoa chanh, đường viền chấm nổi thường gặp trên các loại cổ vật bằng gốm men và đá thời Trần, Hội đồng Giám định cho rằng chiếc hộp vàng này được chế tạo vào thời Trần (thế kỷ XIII - XIV).
 
ThS. Nguyễn Văn Anh kết luận: “Chiếc hộp này mang hình hoa Sen và xuất hiện dưới triều đại nhà Trần nên nó càng biểu trưng cho sự phát triển của Phật giáo dưới thời Trần cũng như tinh hoa văn hóa Phật giáo của đất nước Việt Nam.
 
Qua khảo sát, chúng tôi còn ghi nhận nhiều vết tích thời Trần được tìm thấy ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này cho thấy, có thể dưới thời Trần, Ngọa Vân đã là một quần thể các di tích mà Ngọa Vân am chỉ là một phần trong quần thể đó và ngay cả khi Trần Nhân Tông mất đi, nó còn được tiếp tục xây dựng và thậm chí được mở rộng”.
 
PGS.TS Tống Trung Tín – Viện Khảo cổ học Việt Nam, chia sẻ: Từ trước đến nay, rất hiếm khi tìm được những cổ vật bằng vàng ở thời nhà Trần. Trước đây, ở Hưng Yên người ta có đào được 5 chiếc lá bằng vàng nhưng mà lại ở dưới thời Lý. Trong giới chơi đồ cổ, nhiều người đang sở hữu những cổ vật có hình hoa sen độc đáo, quý giá. Đối với người Việt, hoa sen có vai trò và vị trí đặc biệt cả về tâm linh và văn hóa. Vì thế, nắm trong tay những cổ vật này là niềm tự hào của bất cứ ai.
 
Đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, hầu như ở thời nào cũng được các nghệ nhân thể hiện trong các đồ án trang trí của nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng. Sen được khai thác, phản ánh dưới nhiều góc độ, bố cục khác nhau, xuất hiện xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc qua những công trình kiến trúc, nhưng có thể nói, dưới thời Trần, hình tượng hoa sen được sử dụng phổ biến nhất.
 
Trung Tuyến (ĐVO)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn