Trung tướng Hùng Phong và niềm hạnh phúc đến từ hai thế giới

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nhìn đôi mắt hạnh phúc của ông khi nghĩ đến người vợ quá cố, tôi hiểu trong con người ấy sức mạnh từ thế giới bên kia mà nói đúng hơn là sức mạnh của tình yêu và nỗi nhớ luôn hiện hữu trong ông, đó cũng chính là sức mạnh để ông có thể vượt qua nỗi cô đơn và mất mát trong suốt mười tám năm qua.

(Phunutoday) - Lấy nhau 40 năm là 40 năm xa cách, ngày ông trở về cũng là ngày bà ra đi mãi mãi. Đã gần 20 năm nay, dù không được ở bên nhau, chăm sóc cho nhau những ngày cuối đời nhưng với Trung tướng Hùng Phong thì bà vẫn bên ông, luôn dõi theo và “chăm sóc” ông theo cách của riêng bà. Với ông, cái thế giới vĩnh hằng mà bà đang sống và chờ đợi ông ấy luôn tồn tại song song với cuộc sống này, vì thế, ông không cảm thấy cô đơn mà trái lại, ông luôn hạnh phúc vì luôn có bà bên cạnh.
 

[links()]

Người lính trở về sau hai lần thoát chết

Vợ chồng Tướng Hùng Phong
Vợ chồng Tướng Hùng Phong

Sinh ra trên mảnh đất Yên Mô - Ninh Bình với truyền thống cách mạng sục sôi ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, năm đó chỉ mới 14 - 15 tuổi nhưng Hùng Phong đã là một trong số những thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh của huyện, và cũng qua cuộc tổng khởi nghĩa, cái tên Hùng Phong đã được nhiều cán bộ Việt Minh để ý tới. Vì thế, ngay khi tổng khởi nghĩa thành công, Tổng bộ Việt Minh gửi yêu cầu đến các địa phương cử người đi học tại trường quân sự do Tổng bộ Việt Minh tổ chức thì đồng thời, Hùng Phong cũng được Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Mô để ý tới.

Sau năm 1946, Hùng Phong được tham gia lớp học quân sự bí mật tại trường Quân chính Bắc Sơn. Sau thời gian học tập, là một trong số những học viên xuất sắc của trường, vì thế đến năm 1948, ông trở thành Chính trị viên Đại đội, tham gia trận đánh Đông Bắc. Đó là trận đánh mà đơn vị của ông đảm nhận với rất nhiều khó khăn, dù không phải là trực tiếp đánh Pháp nhưng kẻ thù trực tiếp của đơn vị ông còn nguy hiểm hơn khi đó là bọn thổ phỉ của vùng rừng núi phía Bắc.

Đơn vị ông được lệnh lên vùng núi phía Đông Bắc để vận động dân chúng xây dựng cơ sở của Việt Minh và ổn định đời sống của nhân dân sau ngày Tổng khởi nghĩa. Trong lúc đánh giáp lá cà, ông đã bị một loạt đạn của thổ phỉ, nhưng may mắn thay, vì hôm đóy trời rất lạnh, ông mặc một chiếc áo khá dày, trước ngực lại đeo một chiếc xà cốt của chính trị viên nên sau loạt đạn ấy, ông chỉ bị đứt dây đeo xà cốt và thủng áo mà may mắn thoát chết.

Nhưng trong loạt đạn sau thì ông đã bị thương nặng ở phần đùi. Giữa chiến trường Đông Bắc khi ấy không có trạm cứu thương nên ông được đưa ra tuyến sau vào rừng, phải mất mấy ngày sau, ông mới được đưa về trạm cứu thương ở Bắc Giang trong tình trạng  mất nhiều máu và dường như kiệt sức.

Sau thời gian được điều trị, vết thương đã lành và ông có thể đi lại được, Hùng Phong lại cùng anh em thoát ra khỏi vòng vây của địch tìm lại cơ sở và tiếp tục hoạt động. Đến năm 1951, trong trận đánh ở Tô Vũ - Hòa Bình, lúc này, ông đã là một Chính trị viên Tiểu đoàn 29 - Trung đoàn 88, thuộc Sư đoàn 308, chỉ huy một đơn vị chủ công trong chiến dịch.

Trong trận đánh ấy, ông bị một mảnh đạn găm vào đầu đến giờ vẫn còn để lại một vết sẹo lõm, Trung tướng nói: “Lúc đó tôi cũng đã bị choáng nhưng khí thế hãy còn hăng lắm nên vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi máu chảy nhiều quá thì tôi bị ngất xỉu, anh em phải đưa vội ra tuyến sau để chữa trị. Lần đó tưởng không sống nổi, nhưng cũng may là đã qua khỏi”.

Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ khi đã trở thành Chính ủy Sư đoàn 308, sư đoàn tiên phong của quân sự Việt Nam, nhiều lần phải trực tiếp chỉ huy Sư đoàn tham gia các chiến dịch, và nhiều lần trong số đó cái chết đã cận kề ngay bên cạnh, nhưng có lẽ vì ông luôn có một hậu phương vững chắc, một người vợ hiểu và luôn động viên chồng cố gắng chiến đấu và đặc biệt là mong ngày ông trở về nên ông đã may mắn thoát ra khỏi vòng lửa của chiến tranh để trở về lành lặn.
 

Bến Then - nơi hẹn ước

Khi ông còn là một chính trị viên Trung Đội đóng quân ở Tây Mỗ - Đoan Hùng - Phú Thọ có gặp một gia đình tản cư từ Hà Nội lên. Đó là một gia đình đông con và sống rất tình cảm, dù khó khăn nhưng vẫn hết lòng giúp đỡ bộ đội. Những ngày đóng quân ở đây khoảng năm 1947, Hùng Phong thường xuyên qua gia đình tản cư ấy chơi và tình cờ quen cô con gái thứ hai của gia đình có tên Vũ Thị Hạnh.

Ngay từ những lần gặp đầu tiên, anh đã có cảm tình với cô gái có dáng người nhỏ bé và nụ cười đôn hậu ấy. Là con của một gia đình cũng khá giả ở Hà Nội lên đây tản cư chấp nhận cuộc sống khó khăn để xây dựng cuộc sống mới, nhưng Vũ Thị Hạnh lại hết sức chịu khó và làm tất cả mọi việc từ việc nhà đến việc đồng đều thuần thục như con của một nông dân thực sự.

Hơn nữa, cô lại rất thông minh và đối đáp lém lỉnh nên anh chính trị viên đại đội Hùng Phong khi ấy đã hoàn toàn bị chinh. Tuy nhiên thời gian  Hùng Phong đóng quân ở đó không lâu, khi đơn vị phải di chuyển đến nơi khác và những trận đánh liên miên đã khiến hình ảnh người con gái ấy chỉ còn là một kỷ niệm đẹp đối với chàng trai trẻ mới 19-20.

Mãi sau này, khi trận đánh ở Tô Vũ - Hòa Bình kết thúc năm 1951, cái tên Hùng Phong - chính trị viên Tiểu đoàn 29 được nhắc đến nhiều hơn và cô Hạnh khi ấy đang là giáo viên cấp một tại trường Tiểu học ở huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ. Sau khi biết được thông tin về anh lính năm xưa vẫn thường tới nhà mình, người mà cô cũng đã ngưỡng mộ từ lâu, cô giáo Hạnh liền mạnh dạn viết thư hỏi thăm anh chính trị viên trước.

Khi được đồng chí văn thư đưa thư, Hùng Phong khi ấy rất ngạc nhiên bởi ông không biết Hạnh là ai, cho đến khi đọc xong thư rồi ông mới nhớ ra là cô gái năm nào. Cũng may cho ông, khi ấy đơn vị được về đóng quân ở gần Bến Then gần nơi cô giáo Hạnh đang công tác. Những lá thư qua lại rồi những lần gặp mặt đã khiến anh chính trị viên trẻ đã lờ mờ hiểu ra cô ấy có ý với mình nhưng vì nhút nhát nên anh vẫn còn do dự.

Khi gặp lại cậu bạn cũ anh đưa những bức thư của cô giáo Hạnh cho cậu bạn xem, xem xong cậu ấy nói: “Cô ấy yêu cậu rồi, cậu xem thu xếp đến gặp gia đình cô ấy đi!”. Nghe bạn nói đã có phần yên tâm hơn nhưng lúc đó, đơn vị đang chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc nên Hùng Phong không đi được. Đến khi chiến dịch kết thúc, ông đã về Tiểu đoàn mượn hai con ngựa cùng cậu bạn quyết định vào xin phép gia đình cô Hạnh.

Nhưng khi ông vào đến nơi thì chỉ gặp mẹ và cô em ở nhà, cô Hạnh đã được cử sang học tiếp tại trường sư phạm ở khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc. Nhận được bức thư Hạnh gửi lại cho anh trong đó, cô trách vì sự chần chừ của anh và cô cũng không quên dặn lại người yêu: “Nếu anh yêu em thì hẹn 3 năm sau sẽ về tính chuyện cưới!”.

Giữ lời hẹn năm xưa, anh chờ đợi ngày cô giáo trở về và cuối cùng thì ngày đó cũng đến, những ngày đầu đông năm 1955, cô Hạnh được về nước, việc đầu tiên,cô xuống Hà Nội tìm gặp anh theo lời hẹn ước. Khi ấy hai người đã hẹn gặp nhau tại Bách hóa tổng hợp và cùng nhau về Phú Thọ xin phép gia đình làm đám cưới. Ngày cưới của đôi vợ chồng trẻ chỉ có gia đình nhà gái và đơn vị, gia đình nhà trai vì đang tản cư mỗi người một nơi nên không kịp báo trước.

Đám cưới giản dị trong không khí của ngày xuân ấm áp năm 1955 đã là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời của người lính Hùng Phong, bởi sau hôm ấy, ông bà biền biệt kẻ Nam người Bắc mỗi người mỗi nơi, những lần gặp nhau chỉ như cơn gió thoảng qua để lại sự ngóng trông của người vợ trẻ và những đứa con thơ.

Bao khó khăn vất vả dồn hết lên đôi vai gầy nhỏ bé. Một mình bà phải lăn lộn vừa học, vừa dạy, vừa lo sơ tán và nuôi các con khôn lớn. Chính sự khó nhọc đó đã khiến bà bị mắc bệnh tim lúc nào không hay và ngày ông trở về thì bà không còn được ở lại bên ông để hưởng niềm hạnh phúc.
 

Sự hội ngộ của hai thế giới

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng tại khu tập thể 33B Phạm Ngũ Lão, vị Trung tướng một thời xông pha nơi trận mạc rơm rớm nước mắt chỉ cho tôi xem những bức ảnh trong căn phòng nhỏ bé của ông, nơi lưu giữ tất cả những kỷ niệm đẹp ngày bà còn sống. Hình ảnh bà với nụ cười đôn hậu luôn hiện hữu trong căn phòng nhỏ bên cạnh những bằng khen, những huân huy chương của ông. Trung tướng cho rằng, đó là phần thưởng cao quý mà nhà nước đã dành tặng cho bà, công lao của bà lớn lắm còn ông chỉ là người đại diện nhận nó thôi.

Trung tướng Hùng Phong chia sẻ: “Bà nhà tôi là một người vợ hết ý, hiểu chồng và thương chồng lắm, ngay cả khi chết đi rồi thi thoảng, tôi vẫn đến các nhà ngoại cảm để được nói chuyện với bà, lần nào về bà cũng nói: “Tôi thương ông lắm, khi còn trẻ thì mãi lo chuyện chiến chinh, đất nước hòa bình rồi được về với vợ con thì lại không được vợ chăm sóc. Tôi áy náy lắm!”. Nói rồi, Trung tướng tránh sang chuyện khác, giấu đi những giọt nước mắt chực trào ra khỏi ánh mắt hướng về xa xăm.

Ngày ông về hưu mới có cơ hội ở nhà để giúp đỡ vợ con, khi ấy ông mới phát hiện ra bà bị bệnh tim, nhiều lần bà ngất xỉu tại nhà, ông đã phải tự mình cấp cứu cho bà bằng “món nghề” mà ông đã học lỏm được khi còn chiến đấu. Thế nhưng lần cuối cùng ông đã bất lực đó là một ngày mùa đông năm 1995, khi bà đến Trung tâm ngoại ngữ ở trường Trưng Vương làm việc, bà đã bị ngất ngay trên lớp học, khi ông đến thì đã không còn kịp nữa.

Đến giờ ông vẫn còn ân hận vì đã không chia sẻ được với bà nhiều hơn trong cuộc sống, vì đã không cản được niềm đam mê nghề nghiệp của bà, dù đã lớn tuổi nhưng bà vẫn không muốn xa trường lớp, xa các em học sinh nên bệnh ngày càng nặng và cái điều mà ông không mong muốn cũng đã đến.

Sau những hồi tưởng, những trầm tư Trung tướng hỏi tôi: “Cô có tin vào thế giới tâm linh không? Còn tôi, tôi tin có một thế giới mà người ta vẫn gọi là cõi vĩnh hằng. Nó luôn tồn tại song hành cùng với thế giới thực tại của con người. Tất cả những việc mình làm, những điều mình nghĩ họ đều biết cả đấy, vì thế tôi tin bà nhà tôi vẫn đang ở đâu đây bên cạnh tôi, vẫn ngày ngày chăm lo cho tôi dù không bằng xương bằng thịt nhưng tôi luôn cảm nhận được điều đó”.

Nhìn đôi mắt hạnh phúc của ông khi nghĩ đến người vợ quá cố, tôi hiểu trong con người ấy sức mạnh từ thế giới bên kia mà nói đúng hơn là sức mạnh của tình yêu và nỗi nhớ luôn hiện hữu trong ông, đó cũng chính là sức mạnh để ông có thể vượt qua nỗi cô đơn và mất mát trong suốt mười tám năm qua.
 

  • Nguyễn Thị Hải
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn