1/7/2024 chính thức tăng lương, tăng trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng?

( PHUNUTODAY ) - Sáng 10/11/2023 vừa qua, với đa số đại biểu tán thành (94,33%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Quốc hội chính thức chốt cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Liệu cùng với việc cải cách tiền lương, thì lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng cũng được điều chỉnh tăng từ mốc thời gian 1/7/2024?

Quốc hội chính thức chốt tăng lương hưu từ 1/7/2024

Sáng 10/11/2023 vừa qua, với đa số đại biểu tán thành (94,33%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 với nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Như vậy, bên cạnh việc cải cách tiền lương thì sẽ chính thức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 1/7/2024.

Quá trình tăng lương hưu trong những năm gần đây

Tính trong 8 năm qua (từ năm 2016 đến 2023), Chính phủ đã 6 lần điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với các mức điều chỉnh:

+ 8% vào năm 2016;

+ 7,44% năm 2017;

+6,92% năm 2018;

+7,19% năm 2019;

+ 7,4% năm 2022.

+ Lần tăng gần nhất vào năm 2023, theo Nghị định 42/2023, từ ngày 1/7/2023, tăng thêm 12,5% đến 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023.

Quy định về mức lương hưu hằng tháng

Mức hưởng lương hưu hằng tháng được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

+ Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

+ Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.

+. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.

+ Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.

Tác giả: Vũ Thêm