1000 ngày đầu đời: Cơ hội vàng để bảo vệ con khỏi bệnh tật suốt đời

( PHUNUTODAY ) - Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, việc hạn chế một loại gia vị tưởng chừng vô hại lại có thể giúp bé tránh xa nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên CNN, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc giảm bớt lượng đường tiêu thụ có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tới 35% và nguy cơ bị huyết áp cao xuống khoảng 20%. Họ cũng thấy rằng sự khởi phát của các bệnh này có thể được trì hoãn, với bệnh tiểu đường loại 2 chậm lại khoảng 4 năm và huyết áp cao chậm lại 2 năm.

Nghiên cứu này đã dựa vào phân tích dữ liệu trước và sau khi chương trình phân phối đường trong Thế chiến II tại Vương quốc Anh kết thúc vào tháng 9/1953. Kể từ tháng 1 năm 1940, nước Anh đã thực hiện cung cấp thực phẩm theo khẩu phần nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt trong thời kỳ chiến tranh. Điều này đã dẫn đến việc giảm tiếp cận các sản phẩm như đường, chất béo, thịt xông khói, thịt và pho mát.

Khi chương trình phân phối đường được giải tỏa vào tháng 9/1953, tiêu thụ đường hàng ngày của người lớn ở Anh đã gần như tăng gấp đôi chỉ sau một thời gian ngắn, từ khoảng 40g lên tới 80g.

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên CNN, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng việc giảm bớt lượng đường tiêu thụ có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tới 35% và nguy cơ bị huyết áp cao xuống khoảng 20%

Các nghiên cứu gần đây đã khai thác dữ liệu sức khỏe từ UK Biobank, một cơ sở dữ liệu sinh học quy mô lớn, tập trung vào việc theo dõi sức khoẻ của con người trong thời gian dài. Những người tham gia, khoảng 60.183 người, được sinh ra từ tháng 10/1951 đến tháng 3/1956, đã được xem xét để phân tích tác động của việc gia tăng lượng đường tiêu thụ trước và sau khi chế độ phân phối thực phẩm kết thúc.

Tadeja Gracner, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu Xã hội thuộc Đại học Nam California và cũng là tác giả chính của nghiên cứu, nhận định rằng việc hạn chế tiêu thụ đường trong những năm qua đã tạo ra một thí nghiệm tự nhiên thú vị.

Kết quả phân tích trong suốt 6 năm cho thấy rằng nguy cơ béo phì ở trẻ sơ sinh được thụ thai hoặc sinh ra trong thời gian cắt giảm khẩu phần ăn đã giảm tới 30%. Ngược lại, trẻ em sinh ra sau khi các hạn chế về đường được gỡ bỏ lại có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và huyết áp cao gia tăng nhanh chóng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc giảm tiêu thụ đường ở các bà mẹ trong thai kỳ và ở trẻ trong những năm đầu đời có thể giúp hạn chế "sở thích suốt đời" đối với thực phẩm ngọt.

Kết quả phân tích trong suốt 6 năm cho thấy rằng nguy cơ béo phì ở trẻ sơ sinh được thụ thai hoặc sinh ra trong thời gian cắt giảm khẩu phần ăn đã giảm tới 30%

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025, bất kỳ ai từ 2 tuổi trở lên đều được khuyến cáo nên giới hạn lượng đường bổ sung hàng ngày dưới 10% tổng lượng calo. Tuy nhiên, với sự hiện diện tràn lan của đường trong thực phẩm hiện đại, việc thực hiện điều này dường như là không dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng phụ nữ mang thai và cho con bú có xu hướng tiêu thụ lượng đường bổ sung trung bình gấp ba lần mức khuyến nghị, thường vượt ngưỡng 80g mỗi ngày. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ở Mỹ, nhiều trẻ em từ 1 đến 5 tuổi gặp khó khăn trong việc nhận đủ lượng trái cây và rau xanh hàng ngày nhưng lại thường tiêu thụ thức uống có đường.

Tiến sĩ Mark Corkins, trưởng khoa tiêu hóa nhi khoa và giáo sư nhi khoa tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Tennessee (Mỹ), khuyên rằng để giảm lượng đường tiêu thụ của trẻ nhỏ, phụ huynh cần thay đổi thói quen của chính bản thân mình và làm gương cho con cái.

Các giải pháp khác để hạn chế tiếp xúc với đường bao gồm việc thay thế đồ uống có đường bằng những lựa chọn lành mạnh hơn, loại bỏ đồ ăn vặt và thức uống ngọt khỏi nhà, giảm thiểu khả năng hấp dẫn đối với trẻ. Quan trọng nhất là thực hành điều độ trong tiêu thụ thực phẩm chứa đường.

Tác giả: Trần Thu Thủy