Lương công nhân cộng thêm phụ cấp tăng ca tối thiểu là bao nhiêu?

( PHUNUTODAY ) - Mặc dù công nhân đa phần là làm việc tay chân nhưng mỗi tháng người lao động sẽ có nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, đa phần công nhân đều cho biết rằng số lương của họ so với mức thu nhập trung tuy ở mức khá nhưng vẫn không đủ sống. Lý do là gì?

Lương công nhân được trả là bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Cũng theo Điều này, tiền lương được trả cho người lao động không được phép thấp hơn mức lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đang được áp dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Đây là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương.

Do vậy, có thể hiểu, lương của công nhân hiện nay ít nhất phải bằng:

- Mức 4.420.000 đồng/tháng nếu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

- Mức 3.920.000 đồng/tháng nếu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

- Mức 3.430.000 đồng/tháng nếu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

- Mức 3.070.000 đồng/tháng nếu doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Lưu ý: Với những công nhân làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề thì mức lương thấp nhất phải cao hơn 7% mức này.

Đây là mức lương tối thiểu, pháp luật luôn khuyến khích doanh nghiệp trả lương ở mức cao hơn cho người lao động.

Lý do khiến lương công nhân không đủ sống là gì?

Thứ nhất: Lương tối thiểu thấp cũng ảnh hưởng thu nhập người lao động. Giai đoạn 2009-2020, nhà nước liên tục điều chỉnh lương song chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu người lao động. Chưa kể với lý do dịch bệnh, hai năm qua lương tối thiểu không được điều chỉnh. Từ năm 2020 đến nay, lương tối thiểu cao nhất áp dụng cho vùng I ở mức 4,42 triệu đồng, thấp nhất vùng IV là 3,07 triệu đồng.

Từ cơ sở này, các nhà máy xây dựng lương cơ bản và thường sẽ bám rất sát mức lương tối thiểu vùng, chỉ cao hơn 5-10%. Thu nhập từ tăng ca, thưởng Tết, chi trả chế độ ốm đau... đều căn cứ mức lương này. Trong khi đó Covid-19 xuất hiện, người lao động phải chi nhiều hơn cho y tế nhưng việc tăng lương bị trì hoãn càng khiến đời sống công nhân khó khăn.

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng thu nhập của công nhân còn thấp bởi hầu hết khi xin việc không có điều kiện, năng lực để thương lượng tiền lương, phúc lợi cho mình. "Doanh nghiệp đặt ra mức lương căn bản với một số phụ cấp, người lao động chấp nhận thì làm chứ gần như không có cơ hội mặc cả", ông Tiến nói.

Thứ 2: Các hiệp hội doanh nghiệp cùng ngành nghề có "thỏa thuận ngầm" về mức lương, chế độ chi trả cho người lao động. Điều này khiến mức lương mất tính cạnh tranh, công nhân thiệt thòi vì ít sự lựa chọn để tìm công việc mới. "Hiện có tình trạng một số nhà máy tranh nhau chào hàng giá thấp nhất nhưng vẫn lời vì đã siết chặt mức chi trả cho người lao động", ông Tiến nói.

Thứ 3: Ở góc độ khác, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông IPS, cho rằng tiền lương của công nhân khó đủ sống do phải chi nhiều hơn cho nhà ở, y tế, giáo dục, điện nước... Hiện, đa phần công nhân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương là người nhập cư, không có chỗ ở cố định, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được nhóm này.

Khảo sát của viện này, công nhân phải chi 15-20% thu nhập để thuê phòng trọ; tiền điện, nước thường cao hơn 2-3 lần so với quy định. Tăng ca thường xuyên, giờ giấc làm việc khắt khe, công nhân phải gửi con nhỏ ở trường tư với giá cao do trường công gần như không có hoặc quá tải. Thu nhập đã thấp trong khi nhiều khoản phải lo khiến người lao động thêm khó khăn.

Tác giả: Mộc