5 quy tắc sống còn cha mẹ cần dạy để giúp con phòng tránh đuối nước

( PHUNUTODAY ) - Câu chuyện về những đứa trẻ bị đuối nước luôn khiến các bậc cha mẹ đau lòng. Làm thế nào để giúp con phòng tránh đuối nước?

Mùa hè là thời điểm trẻ nhỏ được cha mẹ cho đi bơi, đi tắm biển rất nhiều. Trong giai đoạn này, khi mà dịch Covid-19 bùng phát, nhiều gia đình gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Chỉ một chút lơ là, mất cảnh giác của người lớn và sự nghịch của trẻ nhỏ có thể khiến những tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra. Trẻ thiếu kỹ năng thì rất khó để tự bảo vệ mình khỏi bị đuối nước. Vậy nên, cha mẹ cần dạy ngay cho trẻ những kỹ năng cần thiết nhất.

Dạy trẻ học bơi từ sớm

Để phòng đuối nước cho trẻ thì việc đầu tiên là cha mẹ cần cho trẻ học bơi. Thường thì các bé từ 5 tuổi đã có thể tham gia vào các lớp học bơi cơ bản. Tại đây, ngoài các kỹ năng bơi lội trẻ sẽ được học cách khởi động trước khi xuống nước, xử lý sao khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước phù hợp với lứa tuổi,…

Cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước

Trời mùa hè nóng nực nên việc trẻ nhỏ có xu hướng thích chơi ở những khu vực có nước như sông, hồ, ao, suối cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, đây lại là những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất lớn. Ngay cả khi trẻ biết bơi, nguy cơ vẫn luôn tồn tại. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh báo cho trẻ về những nguy cơ này để trẻ có ý thức hơn về việc tự bảo vệ mình.

Không bơi ở nơi gần vùng nước nguy hiểm

Ở bể bơi hay ngoài biển đều sẽ có những khu vực nước sâu, khu vực cảnh báo nguy hiểm. Cha mẹ cần dạy trẻ những biển báo nguy hiểm để trẻ nhận biết và không bơi gần khu vực này. Đặc biệt khi bơi ở sông, biển, trẻ chỉ nên bơi gần bờ. Không cho trẻ nằm trên phao khi tắm biển vì nước biển có thể cuốn trẻ ra xa mà không biết. Thậm chí trẻ có thể bị sóng đánh úp rất nguy hiểm.

Chấp hành tốt quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy

Khi tham gia giao thông đường thủy, cả người lớn và trẻ nhỏ đều phải mặc áo phao. Dù biết bơi cũng không được chủ quan. Cha mẹ cần là tấm gương để trẻ học theo. Bất cứ sự chủ quan nào cũng có thể dẫn tới sự ân hận về sau.

Không tích trữ nước trong lu

Đối với những gia đình có trẻ nhỏ không nên tích trữ nước trong lu, thùng. Ở những vùng bắt buộc phải tích trữ nước ngọt để sử dụng cho sinh hoạt thì nên đậy nắp thật chặt để trẻ không thể mở nắp ra nghịch. Cha mẹ cũng cần dạy trẻ về mối nguy hiểm tiềm ẩn để trẻ không tò mò chơi quanh khu vực thùng nước.

Tác giả: Trần Thu Thủy