6 lời người khôn ngoan luôn giữ mồm giữ miệng, kẻ khờ dại nói ra mỗi ngày

( PHUNUTODAY ) - Người khôn ngoan là người biết giữ mồm giữ miệng. Bạn sẽ không bao giờ nghe họ nói 6 điều sau:

Người khôn ngoan không nói về sai lầm trong quá khứ

Khi bạn thiện ý khuyên nhủ người khác, đừng luôn miệng nhắc về những sai lầm trong quá khứ của họ nếu không muốn kích thích tâm lý phản kháng, không muốn chấp nhận sự thật. Vốn là thiện ý, nhưng do diễn đạt sai cách, cũng có thể trở thành ác ý. Dù là khen hay chê cũng cần có kỹ xảo, có thứ tự trước sau, khiến đối phương sẵn lòng lắng nghe và tiếp nhận một cách chân thành.

Người khôn ngoan không nói chuyện quá thẳng thắn

Có câu rằng: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn”, còn có nghĩa là: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.”

Tôn Tử cũng từng nói : “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời, hơn cả kiếm giáo.”

Có thể thấy, bất cứ lời nói tùy ý nào đều đem lại những kết quả khác nhau. Lời tốt đẹp khích lệ người khác sẽ mang đến thiện lành, còn lời nói xấu làm tổn thương người lại có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Một người khôn ngoan trước khi nói bất cứ điều gì đều biết đạo lý “uốn lưỡi 7 lần”. Cần suy nghĩ kỹ càng đến cảm nhận của người đối diện, nếu lời nói mang tính nhạy cảm, cần diễn đạt sao cho uyển chuyển, ít mang tính xúc phạm nhất. Không bao giờ nên lấy “thẳng thắn” làm cái cớ để thốt ra những lời tổn thương người khác.

Người khôn ngoan không nói lời phàn nàn

Lỗ Tấn từng nói: "Thường thì mọi người bắt đầu phàn nàn, mọi thứ sẽ xấu đi theo chiều hướng phàn nàn của anh ta mà thôi".

Kêu ca, phàn nàn thực ra không giúp ích nhiều cho bạn. Phàn nàn giống như đổ nước vào giày. Điều này sẽ ngày càng khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn. Thay vì phàn nàn, tốt hơn hết, bạn cần tự nhìn lại bản thân. Thay vì phàn nàn về bóng tối, bạn nên tiến về phía trước có ánh sáng.

Người khôn ngoan không nói xấu sau lưng, vạch trần những chuyện riêng tư khó nói hoặc khuyết điểm cá nhân của người khác

Mỗi người đều có những giới hạn cấm kỵ riêng của mình. Những khuyết điểm hay vấn đề riêng tư là đề tài đáng lẽ không bao giờ được nhắc đến, nhất là cho mục đích “đưa chuyện” vì chúng gây ra cảm giác tổn thương, khó chịu, thậm chí là oán hận cho người trong cuộc.

Hơn nữa, chúng cũng khiến người khác dễ dàng gán cho bạn cái mác “miệng rộng”, “đưa chuyện”. Như vậy, dần dà mọi người sẽ tự động xa lánh, cô lập, không còn muốn giao tiếp với bạn.

Người đâm bị thóc chọc bị gạo là kiểu người thường bị ghét bỏ. Nhiều người luôn than thở mình bận rộn, nhưng lại có thời gian để đi bình phẩm và đánh giá khiếm nhã về cuộc sống của người khác.

Nhìn thấy mà không nói, đôi lúc là điều thông minh nhất của đời người. Một người khôn khéo sẽ không nhiều lời vào chuyện của người khác.

Người khôn ngoan không nói ba hoa khoác lác

Người ba hoa khoác lác thường có lòng hư vinh mạnh mẽ. Những người này bình thường rất thích khoe mẽ, nhưng khi có cơ hội để thể hiện, họ lại cho thấy mình chỉ là thùng rỗng kêu to.

Một người tài giỏi thực sự luôn giữ thái độ khiêm tốn. Khi đã quyết tâm đạt được điều gì họ lẳng lặng làm việc của mình, tuyệt đối không khua chiêng gõ trống cho người khác biết. Họ hiểu được rằng, nói trước thì bước không qua. Thay vì mạnh mồm mạnh miệng, họ sẽ làm việc một cách chắc chắn và trở thành một người đáng tin cậy.

Người khôn ngoan không nói khi tức giận

Khi ở trạng thái tức giận bạn thường đánh mất lý trí và nói ra những lời khó nghe. Điều này có thể làm tổn thương người khác, gây hậu quả khó lường. Vì thế người khôn ngoan nhận thức được rằng khi đang ở trạng thái tức giận, tốt nhất nên bình tâm, không nói năng tuỳ tiện.

Bên cạnh đó, một người khi không hài lòng, bất mãn, thường sẽ nói những lời trách móc. Người bị oán trách sẽ vì những lời nói cay nghiệt đó mà khắc sâu trong tâm, thậm chí làm ra những việc không thể vãn hồi lại được.

Một người nếu gặp chuyện luôn oán trời trách đất, oán trách người khác, không thể nhận rõ chính mình thì vĩnh viễn không trưởng thành được. Người hễ gặp chuyện là tìm nguyên nhân và đổ cho khách quan, luôn trách cứ người khác thì cũng khó đạt được thành công.

Bản thân chúng cũng hiểu rằng, muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết chúng ta phải học cách tôn trọng người khác.

Chính vì vậy, hãy tham khảo một số quy tắc dưới đây để biết cách đối nhân xử thế:

1. Khi người khác ngủ thì biết im lặng.

2. Có nhiều người thích giả ngu, nhưng đừng vì thế mà nghĩ họ ngu thật.

3. Trước mặt người bạn ghét, đừng tỏ ra mình ghét họ, cũng đừng nói xấu họ với những người quen của họ.

4. Dù là bạn bè thân thiết, cũng đừng luôn trêu chọc khuyết điểm của người khác.

5. Đừng nói đùa quá đà với người không quen, mà kể cả quen thân cũng không nên.

6. Một cô gái được các chàng trai yêu thích cũng chẳng nói lên được điều gì, nhưng một cô gái được rất nhiều bạn gái khen ngợi thì thật sự lợi hại.

7. Đừng vội vàng “trông mặt mà bắt hình dong”.

8. Những lời không nói được trước mặt người ta, thì cũng đừng nói sau lưng họ.

9. Người ta nhắn tin nhất định phải trả lời, dù không muốn nói chuyện hay không biết nói gì cũng nên dùng biểu tượng hay dấu câu để diễn đạt khéo léo. Không trả lời tin nhắn không phải là cao giá lạnh lùng, mà là thiếu văn hóa.

10. Sửa tật nói năng bạt mạng. Nên ăn nói từ tốn, nhã nhặn.

11. Đừng nói bí mật cho gió, gió sẽ thổi nó đi khắp cánh rừng.

Tác giả: Vũ Ngọc