“Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật tự nhiên, mỗi người đều phải trải qua trong đời, là người thì phải chịu sự chi phối của nó.
Yêu thương hay ly biệt cũng là việc mà bạn sẽ thường xuyên phải đối diện trong cuộc đời này.
Những nỗi khổ sau nếu bạn đã trải qua trong đời người là bạn đã hiểu được giá trị của hạnh phúc:
1. Sinh
Nhà Phật cho rằng thế giới thực tại là khổ. Chúng ta sinh sống trên thế gian, bản thân là khổ. Sống sống, chết chết, vòng luân hồi ấy không biết lúc nào mới kết thúc?
Người có thân người này chính là đã phải chịu trầm luân trong bể khổ tưởng như vô bờ. Cho nên, con người khi hạ sinh, lần đầu tiên cất tiếng chính là tiếng khóc.
2. Lão
Tuổi thanh xuân của mỗi người đều nhanh chóng trôi qua. Người ta nói, đời người như bóng câu vút qua cửa sổ. Con ngựa đang sung sức, kéo chiếc xe chạy vun vút trên đường, lướt qua cửa sổ thì đúng là chỉ trong tích tắc.
Ai rồi cũng phải già đi tuy mỗi ngày ta không nhìn thấy mình đang lão hóa. Đó là một nỗi khổ khó nói nên lời. Con người bình thường không cách nào có thể khống chế điều này, mỗi khi nhìn lại thấy thêm một sợi tóc bạc thì trong tâm sẽ phảng phất một nỗi buồn thương.
3. Bệnh
Người xưa nói, trời không đo được gió và mây, người sớm tối có họa phúc, không thể dự liệu. Bệnh tật là nỗi khổ lớn của đời người, ai ai cũng sẽ phải trải qua. Ngày hôm nay khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng ngày mai có thể đau đớn, lìa đời chẳng hay.
4. Tử (cái chết)
Phật gia cho rằng, chết không đáng sợ như con người vẫn tưởng tượng. Bởi vì họ cho rằng, cái chết là khởi đầu của một sinh mạng mới.
Luân hồi là để một sinh mệnh mới được ra đời. Nhưng chính sự lưu luyến, không muốn rời xa cõi trần của con người ta lúc cận kề cái chết mới chính là nỗi đau khổ lớn nhất.
5. Yêu thương phải chia lìa
Yêu thương là bản năng của con người. Nam nữ đến với nhau chính là sự xuất phát từ sự dung hợp của âm dương, trời đất. Nhưng chính sự yêu thương cũng bao hàm thống khổ.
Bởi vì con người một khi yêu thương sẽ khó chấp nhận sự phân ly, chia cách, sẽ càng trở nên ích kỷ hơn. Bởi thế người ta đã phải thốt lên: “Hỏi thế gian tình ái là chi, mà cho đôi lứa thề nguyền sống chết?“.
6. Oán hận lâu dài
Yêu thương và oán hận chính là hai mặt của cuộc sống con người. Nhưng kể ra một đời người yêu thương chẳng được bao nhiêu còn oán hận thì dường như chất chồng. Vậy mà chẳng mấy ai hiểu được rằng, oán hận người khác bao nhiêu thì bản thân mình sẽ tổn thương bấy nhiêu.
Yêu thương quá cũng khiến người ta càng trở nên oán hận hơn. Yêu sâu nặng thì oán hận cũng càng mãnh liệt. Đam mê và dục vọng cũng chính là nguyên nhân của oán hận.
7. Cầu mà không được
Càng truy cầu nhiều thì người ta càng thống khổ. Bởi vì những thứ người ta mong cầu là vô cùng nhiều nhưng những thứ đạt được lại chỉ là hữu hạn.
Người ta không phải cứ muốn mà được, cứ truy cầu rồi có. Tất cả đều phải dựa vào phúc báo của bản thân mới có được.
Nhưng một khi truy cầu không được, người ta sẽ dám làm nhiều việc xấu để đạt được mục đích. Khi càng bị tổn thương, người ta càng rơi vào thống khổ.
8. Bị mê lạc bởi những điều thấy được
Con người thường rất dễ bị mê lạc bởi những thứ vật chất, hình tượng, sự vật mà họ nghe thấy, nhìn thấy, gặp phải, cảm nhận được. Đó chính là ngọn nguồn của sự thống khổ.
Chính là người ta bị huyễn tượng, giả tướng, những điều hư ảo bề ngoài mê hoặc. Những biểu hiện bên ngoài ấy vốn không phải bản chất của sự vật, hiện tượng. Nếu cứ bị hãm sâu vào trong đó, người ta sẽ như chìm vào cõi mê mờ, không cách nào thoát ra.
Tác giả: Dương Ngọc
-
Muốn hạnh phúc, hãy biết thương mình, không có gì là 'ích kỷ' cả
-
Học 6 cách đơn giản hóa mọi thứ, để cuộc sống nhàn tênh
-
Lý do mọi người sợ đối mặt với cái chết. Vậy mục đích Cuộc sống của bạn là gì?
-
Về già không cần dựa vào con cái mới là cuộc sống ung dung, hạnh phúc nhất
-
Có 5 kiểu người đã tuổi “nghỉ hưu” nhưng vẫn hăng say làm việc. Họ là ai?