9 cách tự kiểm tra sức khỏe tại nhà một cách đơn giản

( PHUNUTODAY ) - Cuộc sống bận rộn không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kì. Nhưng chỉ với 9 cách kiểm tra sức khỏe tại nhà dưới đây chúng ta có thể biết tình trạng sức khỏe của mình như thế nào rồi.

 1. Mắt

Để kiểm tra mắt, hãy nhắm một mắt lại rồi lùi ra xa khỏi màn hình từ 3 đến 5 bước, sau đó mở mắt ra và nhìn vào vòng tròn phía trên. Bạn có thấy xuất hiện thêm một số đường kẻ tối màu hơn những đường kẻ còn lại không? Nếu câu trả lời là có, bạn nên đến thăm bác sĩ nhãn khoa vì có khả năng bạn mắc chứng loạn thị.

2. Độ dẻo dai

Để thực hiện bài kiểm tra này, hãy ngồi trên sàn nhà, duỗi chân thẳng ra trước mặt. Sau đó, rướn người về phía trước và dùng đầu ngón tay cố chạm vào bàn chân.

Nếu bạn có thể làm điều này một cách dễ dàng, nghĩa là cơ thể của bạn cân đối và khỏe mạnh. Còn nếu điều này khó khăn thì bạn nên tập yoga, pilates (một phương pháp giảm cân bằng cách kết hợp 1 chuỗi các bài tập thể dục có kiểm soát để tăng sức mạnh cho cơ bắp và cải thiện sức khỏe) hoặc đi bơi để cải thiện độ dẻo dai của cơ bắp và ngăn ngừa các bệnh lý về xương khớp.

3. Leo cầu thang bộ.

Cách này giúp kiểm tra sức khỏe khá nhanh và tiện lợi vì hiện nay hầu như gia đình nào cũng có cầu thang. Bạn chỉ cần kiểm tra bằng cách bước 2 bậc cầu thang 1 và leo 5 tầng. Nếu sau khi leo xong, bạn không cảm thấy khó thở hoặc mệt mỏi thì chúc mừng bạn, sức khỏe của bạn vẫn vô cùng ổn định.

Nếu bạn không vượt qua được bài kiểm tra sức khỏe trên, thì bạn cần nên tăng cường sức khỏe bằng dinh dưỡng và tập luyện thể thao thường xuyên.

4. Nhịp tim

Ngồi điềm tĩnh năm phút trong yên lặng, sau đó đặt bốn ngón tay lên trên cổ tay để dò tìm mạch. Đếm số nhịp mạch đập trong 1 phút.

Đối với người lớn và trẻ em trên 10 tuổi, 60-100 nhịp một phút được coi là bình thường. Nhiều hơn hoặc ít hơn có thể chỉ ra các vấn đề về huyết áp. Tuy nhiên, đừng cố tự mình chẩn đoán, hãy đến gặp bác sĩ để biết được chính xác hơn.

5. Tuần hoàn máu

Đổ một ít nước lạnh vào ly rồi nhúng ngón tay của bạn vào đó trong vòng 30 giây. Nếu các đầu ngón tay của bạn chuyển sang màu trắng hoặc xanh, thì bạn đang gặp vấn đề với sự lưu thông máu.

Sự giảm nhiệt độ đáng kể (hoặc căng thẳng) có thể gây ra sự co thắt của các mạch máu cung cấp máu cho ngón tay, ngón chân, mũi và tai nên những bộ phận này của cơ thể không có đủ lượng máu và bị tê liệt. Do đó, bạn nên tránh những môi trường có nhiệt độ thay đổi quá lớn và quá đột ngột.

6. Kiểm tra độ lão hóa

Dựa vào nghiên cứu trên 30 năm về tổ chức của cơ thể người, Giáo sư Shan Thian ở Trường Đại học y khoa của Nhật Bản đã đưa ra một bài kiểm tra sức khỏe và quá trình lão hóa thông qua một số động tác đơn giản và dễ thực hiện.

Bạn giữ cơ thể đứng thẳng, 2 tay duỗi thẳng xuôi, nhắm mắt lại và từ từ co 1 chân lên, chỉ đứng bằng 1 chân và cố gắng giữ cơ thể thăng bằng.

Kết quả:

• Nếu bạn đứng được 9 giây thì tuổi sinh lý của nam giới là 30-35, nữ là 40-49.

• Tuổi sinh lý của nam giới là 40-49, nữ là 50-59 nếu bạn chỉ đứng được 8,4 giây

.• Tuổi sinh lý của nam là 60-69, nữ là 70-79 nếu bạn đứng được 7,4 giây.Những người duy trì thời gian đứng càng lâu thì mức độ lão hóa cơ thể càng chậm. Ngược lại, những ai không thể giữ cơ thể thăng bằng trong thời gian kể trên thì tuổi sinh lý sẽ cao hơn, khả năng lão hóa nhanh hơn tuổi thật của bản thân.

7. Kiểm tra độ săn chắc của cơ đùi

Cách kiểm tra sức khỏe này cũng cực kỳ đơn giản. Để kiểm tra cơ đùi sau, bạn nằm ngửa trên sàn nhà, từ từ đưa 1 chân lên cao theo phương thẳng đứng. Nếu cơ đùi sau của bạn vẫn còn linh hoạt, bạn có thể dễ dàng tạo thành góc 90 độ so với sàn nhà.

Với cơ đùi trước, bạn chỉ cần kiểm tra bằng cách ngồi quỳ gối, gót chân chạm hông thì chứng tỏ hệ thống cơ đùi vẫn ổn định.

8. Tuyến giáp

Hãy nhắm mắt lại, duỗi 2 tay ra trước mặt, mở rộng lòng bàn tay rồi nhờ ai đó đặt một tờ giấy lên tay bạn. Nếu tờ giấy bắt đầu run rẩy cùng với các ngón tay, thì bạn nên đi khám bác sĩ nội tiết.

9. Nín thở để kiểm tra sức khỏe của phổi.

Hãy thử nín thở và đặt thời gian bấm giờ để biết được liệu phổi của bạn có khỏe như bạn nghĩ. Hít một hơi thật sâu. Sau đó nín thở. Nếu bạn có thể nín thở từ 30 giây đến 1 phút thì bạn có thể yên tâm rằng phổi mình đang hoạt động bình thường.

Tác giả: Thu