Ăn thịt lợn cần tránh 8 món này, "ăn càng ít càng tốt" nếu không muốn bệnh tật lúc tuổi già

( PHUNUTODAY ) - Đa số những món "khoái khẩu" trong các món ăn được chế biến từ thịt lợn được khuyến cáo không nên ăn nhiều vì có chứa độc tố gây bệnh.

Thịt lợn là thực phẩm có chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có sự khác biệt về thành phần dinh dưỡng giữa các phần thịt lợn với nhau. Chính vì thế, tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của các thành viên trong gia đình, người nội trợ nên chọn phần thịt phù hợp để chế biến. Nhờ đó, các thành viên bên cạnh có thể thưởng thức những món ăn ngon mà còn có thể tăng cường sức khỏe tốt hơn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất sắt có trong trong thịt lợn giúp tăng cường quá trình sản xuất năng lượng và để cơ thể có thể dễ dàng hấp thu các chất dinh dưỡng khác. Trong khi đó, kẽm có trong thịt lợn thường có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện sức đề kháng giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh tật đến từ môi trường bên ngoài.

Đối với những người quan tâm đến việc sức khỏe thì thịt lợn là một trong những món ăn phù hợp nhất. Nguyên nhân là do trong thịt lợn chứa hàm lượng cao protein và các axit amin cần thiết cho cơ thể.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa quan trọng cũng được tìm thấy nhiều ở thịt lợn. Vì vậy, nếu được chế biến đúng cách, thịt lợn rất tốt cho da, mắt, hệ thần kinh, xương và các hoạt động trí óc...

Tuy nhiên, ăn thịt lợn cần tránh 8 món này:

Phổi lợn

Phổi có chức năng giúp lợn thở. Môi trường sống của lợn nhiều bụi bẩn, phân chuồng chứa vi khuẩn, ký sinh trùng tồn tại trong một thời gian dài. Lợn hay có thói quen hít ngửi sát đất, dễ dàng tiếp xúc với các yếu tố trên. Trong không gian như vậy, phổi lợn có xu hướng chứa một lượng lớn vi khuẩn và virus. Vì vậy tốt nhất không nên ăn.

Thịt cổ lợn

Như chúng ta đã biết, hạch bạch huyết là cơ quan miễn dịch của động vật và nằm rải rác ở nhiều nơi trên cơ thể, nhưng tập trung phổ biến nhất ở vùng cổ. Hạch chứa rất nhiều vi khuẩn, vius, mầm bệnh có thể truyền trực tiếp vào cơ thể.

Cổ lợn cũng chứa một số lượng lớn tuyến giáp, nơi tiết ra hormone thyroxine, đây là chất gây ảnh hưởng tới nội tiết tố con người và việc chuyển hóa trong cơ thể.

Ngoài ra, do thịt cổ lợn thường có giá rẻ, nên nhiều thương lái thường trộn chung với các loại thịt khác, xay nhuyễn làm các món như bánh bao, nem, thịt nhồi. Vì thế, để an toàn cho sức khỏe, bạn nên hạn chế các món ăn chế biến từ thịt xay.

Gan lợn

Gan chính là nơi tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh, cùng một hàm lượng độc tố nhất định. Trong gan cũng có nhiều ký sinh trùng như sán, virus gây bệnh. Chính vì thế, gan lợn trở thành một mối nguy tiềm ẩn. Nếu không biết cách chọn mua, vệ sinh cũng như chế biến, món ăn này có thể trở thành độc tố.

Theo kinh nghiệm, khi mua gan nên chú ý lựa chọn gan có màu sắc tươi đặc trưng, không có đốm trắng, đỏ hay màu sắc bất thường. Trước khi chế biến, nên ngâm gan trong sữa tươi 30 phút để giúp tẩy mùi hôi và độc tố trong gan.

Da lợn

Da lợn có vị mềm, dai và hương vị rất đặc trưng lại giàu collagen. Do đó, nữ giới sẽ rất thích da lợn vì nó có thể làm trì hoãn quá trình lão hóa, giúp làm đẹp da. Thế nhưng, da lợn lại chứa hàm lượng calo cao, dễ gây bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp, tăng mỡ máu và các bệnh khác nên tốt nhất cần hạn chế tiêu thụ thường xuyên.

Óc lợn

Óc lợn có chứa nhiều chất dinh dưỡng bổ ích, giàu Niacin, Phosphorus, B12, và Vitamin C. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 100g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày. Còn chất đạm trong óc lợn chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần khác như thịt nạc.

Nếu lạm dụng, lợi ích có thể chưa thấy nhưng nguy cơ gây bệnh béo phì, rối loạn mỡ máu, bệnh về tim mạch sẽ tăng cao đối với người ăn, nhất là trẻ nhỏ và người lớn tuổi.

Ruột lợn

Lòng của lợn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu khoáng chất và vitamin, đồng thời tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, đây là bộ phận chứa nhiều chất béo, ăn quá mức sẽ dẫn đến nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.

Ngoài ra, phần lòng già còn có chức năng bài tiết chất độc, chất thải nên bị coi là bộ phận bẩn nhất. Muốn ăn phải rửa thật sạch, nấu chín. Nếu sơ chế không kỹ lưỡng, thường sẽ có một lượng lớn vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể gây bệnh tiêu chảy, tả lỵ, thương hàn…

Ngoài ra, ăn nhiều nội tạng cũng chính là nguyên nhân gây các bệnh nguy hiểm khác như gout, viêm tụy cấp, gan nhiễm mỡ, béo phì.

Thận lợn

Thận lợn (hay còn gọi là quả cật) có nhiều cholesterol. Nếu ăn với số lượng lớn trong thời gian dài dễ gây xơ vữa động mạch vành. Những người thích ăn cật lợn nên chú ý hơn.

Thay đổi thói quen ăn uống phù hợp có lợi cho sức khỏe, đặc biệt những người có hàm lượng cholesterol cao càng phải chú ý, thường xuyên ăn thận lợn có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạch vành và có thể gây ra các cơn đau thắt ngực, vì vậy người bệnh tim cũng nên chú ý hơn, ăn ít nhất có thể. Tốt nhất bệnh nhân nhồi máu cơ tim không nên ăn thận lợn.

Tiết lợn

Ăn tiết lợn đúng cách có thể ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, nâng cao khả năng miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và vi rút, bổ khí và dưỡng huyết.

Tuy nhiên, cơ thể con người khó có thể hấp thụ nhiều sắt trong khoảng thời gian ngắn. Thậm chí, nếu lượng sắt quá nhiều có thể dẫn tới ngộ độc.

Vì vậy, bạn chỉ nên ăn tiết lợn một lần một tuần hoặc 2-3 lần trong một tháng. Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm tới việc bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể.

5 nhóm người này khi ăn thịt lợn cần hạn chế

Người thừa cân, béo phì

Theo chuyên gia dinh dưỡng thì những ai mắc bệnh béo phì nếu muốn giảm cân, khi ăn thịt lợn chỉ nên ăn thịt nạc thay vì thịt mỡ. Nguyên nhân là bởi thịt nạc chứa nhiều protein còn thịt mỡ chứa nhiều chất béo dễ khiến cho bạn tăng cân hơn. Đồng thời, nếu ăn quá nhiều thịt mỡ sẽ dẫn đến chứng béo phì, tim mạch, mỡ máu gây hại cho sức khỏe.

Người mắc bệnh sỏi thận

Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiểu - sinh dục phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm và tuyến tiền liệt. Một chế độ ăn lành mạnh dưới đây phần nào giúp bạn giảm tình trạng bệnh. Do vậy, bạn nên hạn chế ăn các loại thịt động vật như thịt lợn và thịt bò vì đây là những thực phẩm rất giàu protein. Bởi nhiều protein trong chế độ ăn uống sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi.

Người bị bệnh mỡ máu

Máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu do nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu cao là căn bệnh rất khó điều trị triệt để. Vì vậy để kiểm soát bệnh, những người mắc bệnh hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo, cholesterol xấu như thịt, xúc xích, thịt xông khói... mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ khoảng 140g thịt lợn.

Người mắc bệnh gout

Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống. Vì vậy, cần điều chỉnh chế độ ăn thích hợp sẽ giúp vừa giảm tổng hợp axit uric vừa tăng đào thải axit uric qua thận.

Với người mắc bệnh gout không ăn thịt lợn quá 1 lạng/ngày. Nếu ăn quá số lượng này, chất đạm sẽ khiến nồng độ axit uric quá cao trong máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat hoặc tinh thể axit uric. Lắng đọng ở các khớp làm cho khớp bị viêm gây đau, lâu dần biến dạng cứng khớp…

Người bị cao huyết áp, tim mạch

Đối với những người bị cao huyết áp, dinh dưỡng cũng chính là một "liều thuốc" để điều trị bệnh. Những loại thịt động vật như thịt lợn rất giàu protein nhưng nạp quá nhiều vào cơ thể có thể dẫn đến dư thừa, tăng cholesterol trong máu và dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch, co mạch máu, từ đó tăng huyết áp.

Người bệnh cũng không cần kiêng hoàn toàn mà có thể kiểm soát một lượng vừa đủ trong thực đơn để đảm bảo cơ thể vẫn hấp thụ đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Nên chọn phần thịt lợn chứa ít chất béo như thịt thăn. Theo chuyên gia, người bệnh cao huyết áp chỉ nên ăn khoảng 100gr thịt/ngày là phù hợp.

Tác giả: Vũ Ngọc