Bà bầu bị sổ mũi phải làm gì để nhanh khỏi nhất?

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều bà mẹ mang thai lo lắng khi bị sổ mũi bởi nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.

Vì sao bà bầu bị sổ mũi?

* Viêm mũi thai kỳ

Một con số thống kê cho biết, trong thời gian mang thai có tới 30% thai phụ gặp phải hiện tượng chảy nước mũi, nghẹt mũi. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và phổ biến ở bà bầu mà không phải xuất phát từ nguyên nhân dị ứng hay bệnh nhiễm trùng. Do vậy, tình trạng này được gọi là viêm mũi thai kỳ.

Hiện tượng viêm mũi thai kỳ thường xuất hiện từ tháng thứ 2 của thai kỳ với biểu hiện nghẹt mũi, chảy nước mũi. Nó có thể diễn ra trong thời gian mẹ bầu ốm nghén rồi biến mất, hoặc xuất hiện trở lại vào giai đoạn cuối mang thai. Sau khi sinh, biểu hiện này sẽ hoàn toàn biến mất.

Nguyên nhân viêm mũi thai kỳ ở bà bầu là do trong thời kỳ mang thai, sự gia tăng của hormone estrogen khiến các màng mũi tiết nhiều dịch nhầy và sưng lên.

Bên cạnh đó, lưu lượng máu trong cơ thể của mẹ bầu tăng lên trong thai kỳ khiến các mạch máu nhỏ li ti trong màng mũi bị sưng phù và làm đường thở bị thu hẹp gây ra tình trạng sổ mũi, chảy nước mũi liên tục.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới sổ mũi

* Do bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh truyền nhiễm

Biểu hiện sổ mũi, ngạt mũi kèm theo ho, họng đau, hắt hơi liên tục, nước mũi có dịch vàng hoặc xanh, đau đầu nhẹ hoặc có dấu hiệu sốt cho thấy bà bầu đã bị mắc bệnh truyền nhiễm, dễ gặp phải là cảm cúm.Lúc này, mẹ bầu cần được thăm khám y tế càng sớm càng tốt để được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc phù hợp. Ngoài việc giữ ấm cơ thể và vệ sinh mũi họng thật tốt, chị em tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống, kể cả thuốc nam, thuốc đông y. 

* Viêm xoang

Nhiều chị em có tiền sử bị viêm xoang, khi thời tiết giao mùa hoặc thay đổi, các triệu chứng xoang sẽ xuất hiện “tấn công” mẹ bầu. Cụ thể là bà bầu bị sổ mũi, đau đầu, đau xương hàm, đau vùng mặt, khó khăn trong việc nhận biết mùi, mũi xuất tiết dịch nhầy vàng hoặc xanh.

Trong trường hợp này, trước khi mang thai, chị em cần có kế hoạch giữ gìn sức khỏe cũng như tư vấn bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng cũng như sản khoa để có biện pháp dự phòng hoặc chuẩn bị thuốc kịp thời trong trường hợp mẹ bầu lên cơn xoang.

* Dị ứng thai kỳ

Nếu bị dị ứng thai kỳ, mẹ bầu có thể bị sổ mũi, tắc mũi, chảy nước mũi liên tục kèm theo biểu hiện ho, hắt hơi, ngứa tai-mũi-họng, hoặc phát ban trên cơ thể. Hiện tượng dị ứng thai kì thường khó dự đoán, sau khi xuất hiện, tình trạng bệnh có thể đỡ chút ít hoặc trở nặng, hoặc là một biểu hiện của một bệnh dị ứng nào đó mà trước khi mang thai chị em chưa từng mắc phải.

Nếu bị ngứa, bạn cũng chỉ nên xoa nhẹ nhàng vùng da bị ngứa để giảm bớt khó chịu và nhanh chóng đi khám để tìm ra nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp.

Các dấu hiệu sổ mũi ở bà bầu

Nếu bà bầu chỉ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi mà không kèm các triệu chứng khác thì có thể mắc viêm mũi thai kỳ. Tình trạng nghẹt mũi kèm hắt hơi, ho, đau họng, đau đầu nhẹ hoặc sốt có thể mắc cảm lạnh hoặc bệnh truyền nhiễm.

Bà bầu cũng thường gặp chứng viêm xoang, bà bầu bị sổ mũi với các triệu chứng của xoang như sốt ( đau đầu, mũi chảy dịch vàng hoặc xanh, đau vùng mặt, đau hàm hoặc giảm khả năng nhận biết mùi) cần đi khám.

Nếu bị tắc hoặc chảy nước mũi với dịch mũi trong kèm hắt hơi, ngứa mắt, tai, họng thì có thể bạn dị ứng. Hiện tượng dị ứng thai kì thường khó dự đoán, có thể đỡ hoặc nặng thêm hoặc trở nên dị ứng khác mà trước đó bạn chưa bị.

Bà bầu bị sổ mũi phải làm sao?

-Rửa mũi bằng nước muối: Dịch nhầy đọng nhiều ở mũi là nguyên nhân chính gây ngạt mũi và khó thở. Vì vậy, mẹ bầu có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi 2-3 lần/ngày.

Chữa sổ muĩ bằng dung dịch muối

-Súc miệng nước muối: Thường xuyên súc miệng nước muối giúp ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi từ viêm mũi tấn công sang họng. Hơn nữa, khi súc miệng, một phần nước muối trở ngược lên mũi, giúp mũi sạch hơn.

-Uống nhiều nước: Lượng nước nạp vào cơ thể giúp làm lỏng dịch đặc ở mũi. Mẹ bầu nên uống nước ấm, hoặc nước ấm pha với chanh và mật ong.

-Tránh ăn cay: Gia vị cay như tiêu, ớt, mù tạt sẽ kích thích nước mũi tiết ra nhiều hơn. Do đó, mẹ bầu nên hạn chế đồ cay nếu không muốn tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

-Kê cao gối khi nằm để dễ thở hơn khi ngủ và nghỉ ngơi.

-Dùng máy phun sương tạo độ ẩm, nhất là lúc ngủ, để giảm bớt cảm giác khó chịu do tình trạng viêm mũi gây ra.

-Duy trì luyện tập, vận động cũng giúp làm dịu cơn ngạt mũi, nhưng mẹ nên tránh tập luyện ngoài trời bởi không khí ô nhiễm rất dễ khiến đường hô hấp bị kích ứng.

 Xông hơi cũng là cách chữa sổ mũi

-Tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc, mùi sơn, mùi nước hoa hay rượu.

-Xông hơi có thể là cách chữa ngạt mũi cho bà bầu tuy mang tính tạm thời, nhưng lại đem đến sự dễ chịu nhẹ nhàng. Làm ẩm chiếc khăn với nước nóng, sau đó đắp lên mặt và hít thở.

Bà bầu có nên dùng thuốc khi bị viêm mũi?

Dùng thuốc sai cách có thể đem đến những hiểm họa khôn lường đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Vì vậy, mẹ bầu tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc trong thai kỳ, nhất là 3 tháng đầu mang thai, khi chưa nhận được chỉ định từ phía bác sĩ.

Tác giả: Văn Thu Hiền