Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sinh non, sinh sớm.
Tuy nhiên, không ai có thể đưa ra được chế độ ăn uống nào hoặc thực phẩm cụ thể, nhất định nào là tốt nhất và trực tiếp phòng ngừa sinh non.
Nhưng hầu hết đều đồng ý rằng một chế độ ăn uống đầy đủ và lành mạnh sẽ không chỉ giúp phòng ngừa các rủi ro mà còn giúp thai nhi khỏe mạnh.
Ăn uống đầy đủ là gì?
Là ăn đủ các bữa, cân bằng các chất dinh dưỡng bao gồm : chất béo, chất đạm, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt với những chất sau, bà bầu cần lưu ý :
Axit folic : giúp hỗ trợ sản xuất máu, giảm nguy cơ khuyết tật thần kinh ở thai nhi. Chúng có nhiều trong rau lá xanh, họ đậu, bông cải xanh, trái cây họ cam quýt, các loại hạt,…
Canxi : không chỉ là cần thiết để cho răng, xương chắc khỏe mà còn giúp các dây thần kinh hoạt động bình thường, trái tim khỏe mạnh,…Sữa là nguồn tốt nhất của canxi, ngoài ra còn có trong rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, cam, hạnh nhân, hạt mè, rau lá xanh,…
Sắt : là thành phần quan trọng trong các tế bào máu, giúp đưa oxy đi khắp cơ thể. Nó còn giúp chống stress, tránh mệt mỏi, trầm cảm và bệnh tật. Nó có nhiều trong thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cá mòi, trái cây khô, rau lá xanh,…
Vitamin A : có nhiều trong các thực phẩm màu đỏ, cam như cà rốt, gấc, bí đỏ, khoai lang và các loại rau xanh, sữa, gan.
Vitamin D : giúp làn da khỏe mạnh, thị lực tốt, giúp xương và răng chắc khỏe. Ánh nắng Mặt trời là một nguồn tốt và là chủ yếu, ngoài ra vitamin D còn có trong sữa, các loại cá béo,…
Protein : là chất cần thiết cho mọi bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là não, bắp thịt và máu. Chúng có nhiều trong thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, hải sản, các loại đậu.
DHA : là axit béo thuộc nhóm omega-3, có nhiều trong dầu cá béo, các loại đậu, sữa. Ngoài ra, có thể uống thuốc bổ sung.
Ăn lành mạnh là gì?
Là không bỏ bữa, nên chia nhỏ các bữa ăn.
Dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng.
Không tăng cân quá nhiều mà cũng không ăn kiêng kem quá mức.
Lựa chọn những thực phẩm sạch, ít hóa chất.
Ăn nhiều rau củ quả tươi so với những thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường, nhiều muối,…
Hạn chế rượu, bia và đồ uống có gas, cồn, đồ uống đóng hộp.
Các dấu hiệu sinh non biểu hiện ra sao?
Dấu hiệu sinh non hay còn được gọi là dọa sinh non mà mẹ bầ cần biết để giảm thiểu những nguy hiểm do sinh non, bạn cần biết các dấu hiệu cảnh báo và xử trí kịp thời. Nhanh chóng liên lạc với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ của bạn trong các trường hợp sau đây để được hướng dẫn:
Đau lưng, thường là phần lưng dưới. Có thể đau liên tục hoặc từng cơn nhưng không đỡ mặc dù bạn đã thay đổi tư thế hay cố gắng xoa dịu cơn đau bằng nhiều cách.
Xuất hiện những cơn gò tử cung, khoảng 10 phút lặp lại một lần hoặc thường xuyên hơn.
Đau quặn ở bụng dưới, đau như khi hành kinh hay rối loạn tiêu hoá, đầy hơi…
Tiết nhiều dịch âm đạo
Triệu chứng như khi cảm cúm: buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy. Bạn phải lập tức hỏi ý kiến bác sĩ ngay cả khi mới bị nhẹ. Nếu tình trạng bất ổn này kéo dài hơn 8giờ, bạn phải gặp bác sĩ để được khám kỹ hơn.
Tăng áp lực lên khung xương chậu và âm đạo
Chảy máu âm đạo ít hoặc nhiều.
Một vài triệu chứng khó phân biệt so với khi mang thai bình thường, ví dụ như đau lưng. Tuy nhiên bạn cần thận trọng vẫn hơn, mọi triệu chứng cảnh báo phải được kiểm tra để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con.