Bà mất để tài sản cho con nuôi, cháu ruột liền kiện đòi lại

( PHUNUTODAY ) - Khi cụ bà mất, người cháu không ở cạnh bên. Thế nhưng, người cháu lại quay về đòi tài sản thừa kế với con nuôi của cụ.

Vụ việc xảy ra vào tháng 12/2020 tại Bà Rịa- Vũng Tàu, tuy nhiên đến nay, nó lại lần nữa được dân tình đưa lên để bàn luận.

Câu chuyện do báo Tuổi trẻ đăng tải, kể về trường hợp của cụ bà N.T.H (sinh năm 1928, ngụ TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) mất vào tháng 8/2015 và để lại toàn bộ di sản cho một người con nuôi là chị L.T.B.A (52 tuổi), người cùng chung sống trong nhà với cụ.

Khi biết được thông tin này, một người tên N.T.H.T (51 tuổi) đã tự nhận mình là cháu của cụ H và quyết định khởi kiện, yêu cầu hủy quyết định công nhận con nuôi của cụ H. Người phụ nữ này cho biết mình đã cùng sống với cụ H. từ khi mới sinh cho đến lúc lấy chồng, còn chị A chỉ là người làm công, nội trợ cho gia đình.

Theo chị T, thời điểm khi còn sống, cụ H còn ở cùng hai em ruột là cụ N.V.C (cha của chị T.) và cụ N.T.T nên không phải người già neo đơn. Đồng thời, chị T cũng hoài nghi việc chị A được lập thủ tục công nhận con nuôi của cụ H, bởi theo đúng thời điểm trên giấy tờ, chị A khi đó đã 31 tuổi.

Còn phía chị A nói, chị đã biết cụ H từ năm 1989 và sinh sống cùng cụ từ đó đến khi cụ mất. Năm 1999, khi thấy cụ H chỉ sống một mình, độc thân và già yếu nên chị quyết định trở thành con nuôi ở bên chăm sóc cụ. Cụ H sau đó cũng đã về quê chị A để làm các thủ tục nhận con.

Chị A cũng khẳng định mọi thông tin chị T. nói là không đúng. Bởi chị T có sống chung với cụ H nhưng đến năm 1992 chị T đi lấy chồng và đã chuyển đi nơi khác. Trên tờ khai sơ yếu lý lịch năm 1999, cụ H cũng khai chị A là con nuôi. Đến khi cụ mất, chị A cũng là người đăng ký khai tử.

Theo UBND xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp (nơi chị A sống) cho biết, năm 1999, UBND xã đã xét đơn yêu cầu của cụ H và giấy thỏa thuận của cha mẹ ruột chị A về việc cho chị A làm con nuôi cụ H. Tuy nhiên, do UBND xã nằm ven sông Cái Dứa, sử dụng nền chợ cũ làm cơ quan nên ẩm thấp, hằng năm gặp lũ nên hồ sơ lưu trữ bị ẩm ướt.

Đến năm 2000, do di dời sang địa chỉ mới, hồ sơ được vận chuyển nhiều lần nên thất lạc hoặc bị mối ăn hết không thể tìm được. Đến nay, chỉ còn lại bộ gốc sổ đăng ký nhận con nuôi có chữ ký của cha mẹ chị A là bên giao con nuôi và chữ ký của cụ H là bên nhận con nuôi.

TAND huyện Lai Vung đã quyết định bác yêu cầu khởi kiện của chị T. Không đồng ý điều này, chị T bất chấp kháng cáo. Trải qua nhiều năm, vụ việc liên tục được kháng nghị 3 lần với 2 lần là giám đốc thẩm.

Đến giữa năm 2019, khi xử giám đốc thẩm lần 2, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cho biết, dù hồ sơ thất lạc nhưng có cơ sở xác định UBND xã Tân Hòa đã thực hiện đúng thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi và lễ giao nhận con nuôi.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, thông tin chị T cho rằng thời điểm cụ H nhận chị A làm con nuôi, cụ H không cô đơn vì đang sống cùng hai em ruột là không có chứng cứ. Bởi theo đăng ký tạm trú căn nhà nơi cụ H ở thời điểm đó, cụ C và cụ T không hề có tên. Trong khi ở giấy tờ năm 1999, cụ H lại thêm chị A vào hộ khẩu.

Còn về vấn đề tại sao chị A được nhận con nuôi khi đã 31 tuổi thì theo Công an TP Vũng Tàu cho biết, nếu xem xét hộ khẩu và độ tuổi thì có cơ sở xác định cụ H là người già yếu, cô đơn, vì vậy có đủ điều kiện nhận nuôi chị A. Bên cạnh đó, từ năm 1999 đến khi cụ mất, chị A đã luôn ở bên cụ. Cả hai cũng không có ghi nhận xảy ra mâu thuẫn nào.

Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự:

– Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;.

– Hàng thừa kế thứ ba: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong đó, việc chia di sản thừa kế theo pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc như sau: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên có thể thấy, con nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết cùng với con đẻ, tức là được hưởng quyền thừa kế như con đẻ.

Điều kiện để được công nhận là con nuôi đều phải đáp ứng những điều kiện sau:

+ Người nhận nuôi phải có hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện sức khỏe, kinh tế, chỗ ở; Có tư cách đạo đức tốt.

+ Con nuôi ở thời điểm được nhận nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi; Nếu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được cha dượng, mẹ kế; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Tác giả: Minh Tú