Bác sĩ cảnh báo F0 cách ly tại nhà coi chừng 'nguồn lây không ngờ', ở phòng riêng virus vẫn lây lan

( PHUNUTODAY ) - Bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo, khi F0, F1 tự cách ly điều trị tại nhà, có những nguồn lây cần cảnh giác, kẻo ở riêng phòng vẫn lây lan.

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 tại Việt Nam dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 3/8 vẫn ghi nhận tới hơn 8000 ca cả nước. Hiện tại, không chỉ TP. HCM là điểm nóng mà Bình Dương cũng đang là 'ổ dịch' với số ca nhiễm trong ngày đã vượt mốc 1000 ca.

Do quá tải hệ thống y tế, nhiều địa phương thí điểm F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà. Bên cạnh những điều kiện cách ly bắt buộc, người thân cũng cần chú ý tới một số 'nguồn lây không ngờ', điều này được Bs Trương Hữu Khanh nhắc tới.

Cách ly F0 tại nhà, cẩn trọng với nguồn lây tới từ nơi không ai ngờ

Theo BS. Khanh, nếu trong gia đình có một F0 nhưng chưa kịp di chuyển tới nơi cách ly, hoặc vài người trong gia đình thành F1. Thì việc làm sao để hạn chế tối đa lây lan cho người thân là điều vô cùng quan trọng. Nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền.

Khi theo dõi bệnh nhân nCoV tại nhà, phải thực hiện cả hai khía cạnh là: Điều trị, theo dõi và cách ly để bảo vệ những người xung quanh. F1 thì không cần điều trị nhưng cần theo dõi xem có triệu chứng không và cách ly. Bởi, cho dù cả nhà toàn F1 thì không phải ai cũng nhiễm.

Cách ly mỗi người 1 phòng, dùng nhà vệ sinh riêng là phương án tối ưu. Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để làm điều đó. Do vậy, việc sắp xếp lại sinh hoạt trong nhà nhằm giảm tối đa nguy cơ là điều bạn có thể làm, nên làm và buộc phải làm.

Đặc biệt, BS. Khanh khuyến cáo mọi người: Nhà vệ sinh có thể là nguồn lây tiềm ẩn cần đặc biệt chú ý. Bởi, không gian nhà vệ sinh thường nhỏ, hẹp, khả năng thông gió kém mà lại còn nhiều đồ đạc. Do đó, đôi khi bệnh nhân ho ở bên trong, virus không thoát ra được mà bám vào các bề mặt, đồ vật.

Khi người sau cầm, nắm vào rồi đưa tay lên mũi, miệng để vệ sinh cá nhân. Hoặc hít phải không khí vẫn còn các giọt bắn li ti thì sẽ nhiễm bệnh. Nó càng nguy hiểm hơn nếu người vào trước đó là F0 hoặc F1 đã chuyển thành F0 nhưng chưa được xét nghiệm nên chưa biết.

Do đó, BS. Khanh khuyên mọi người: Không bao giờ được có tình huống 2 người cùng bước vào nhà vệ sinh. Hãy thông báo cho nhau khi có người vào để các thành viên khác tránh xa.

Khi vào nhà vệ sinh, nếu không phải để đánh răng, rửa mặt thì vẫn phải đeo khẩu trang liên tục. Người nào dùng nhà vệ sinh xong, phải tự dọn dẹp và lau chùi bề mặt sạch sẽ, kỹ càng. Khi sử dụng, nên mở cửa ra, tìm cách thông gió, có thể dùng quạt… Việc này giúp làm loãng không khí bên trong nhà vệ sinh. Người tiếp theo vào cần chờ khoảng 10 phút để không khí loãng ra rồi mới vào.

Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên hữu ích: Nếu ở trong phòng 1 mình thì F0 hay F1 không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, các thành viên khác khi tiếp tế buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và để đồ bên ngoài phòng. Trong trường hợp bệnh nhân cần người chăm sóc thì người chăm phải đeo khẩu trang, sử dụng kính chắn giọt bắn kỹ càng, khử khuẩn thường xuyên. Sau đó, người chăm sóc cũng cần tự theo dõi, tự cách ly.

Nếu nhà không có phòng riêng thì F0, F1 nên nằm hoặc ngồi về một phía khác với những thành viên còn lại trong nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Tốt nhất, nên treo một chiếc màn vải hay vách ngăn che chắn giữa 2 bên càng tốt.

Khuyến cáo F0, F1 tự cách ly tại nhà nên mở cửa sổ, nhưng virut Covid-19 có lây qua đường không khí hay không?

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung (GĐ Bệnh viện Phổi TƯ) giải đáp câu hỏi này như sau: Virus nCoV lây qua giọt bắn, hạt khí dung hoặc tiếp xúc trực tiếp. Nó đúng là có thể lây lan qua không khí nhưng người dân cần hiểu đúng. Bởi, virus chỉ có thể lây lan trong không khí nhưng là tại nơi có không gian kín. Lý do là môi trường kín, có dùng điều hòa, virus sẽ lơ lửng trong không khí và dễ phát tán nên khả năng lây lan mạnh hơn. Với những không gian tù túng, không thông thoáng thì người nhiễm bệnh không đeo khẩu trang mà nói chuyện, thở, ho, hắt hơi sẽ đưa giọt bắn có virus vào phòng. Người khác đi vào không đeo khẩu trang mà hít vào sẽ lây.

Còn với không gian mở, nhờ ozone, hạt sương mù, gió sẽ giúp khả năng truyền nhiễm giảm bớt. Vì thế, ngành y tế mới khuyến cáo rằng F0 không được ở phòng kín và dùng điều hòa trung tâm mà nên ở những nơi thông thoáng, cửa sổ mở và dùng điều hòa riêng.

Nói tóm lại, mọi người cần hiểu đúng về việc virus lây qua không khí cũng như cơ chế lây nhiễm. Chúng ta nên tăng cường không khí ở khu vực nhà ở, nơi làm việc bằng cách mở cửa ra vào, cửa sổ sẽ tốt hơn là dùng điều hòa.

Hướng dẫn cách ly F0 tại nhà theo khuyến cáo của Bộ Y tế

+ Một là, phải chuẩn bị khu vực cách ly trong nhà với điều kiện hoặc có phòng riêng, hoặc có khu riêng biệt, có phòng vệ sinh riêng. Phải có số điện thoại của cơ sở y tế, của nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn. Đồng thời, người cách ly cần phải chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như dung dịch khử khuẩn tay, nước súc họng, khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng và chuẩn bị một số loại thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt, vitamin C… Ngoài ta, các trường hợp cách ly tại nhà cần chuẩn bị thêm bàn, ghế trước cửa phòng hoặc khu vực cách ly để nhận nhu yếu phẩm từ gia đình, nhân viên y tế. Phòng cách ly cũng cần có một thùng rác có nắp.

+ Hai là, người dân nên mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trong phòng.

+ Ba là, người cách ly cần đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Phải thay khẩu trang 2 lần/ngày và khử khuẩn bằng cồn, hoặc thuốc sát trùng trước khi bỏ khẩu trang.

+ Bốn là, người cách ly thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng, bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu… sau khi sử dụng.

+ Năm là, người dân cần đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi thấy có dấu hiệu ớn lạnh, sốt. Ghi chép thân nhiệt và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.

+ Sáu là, mọi người cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

+ Bảy là, cần uống nhiều nước và bổ sung vitamin khoáng chất thường xuyên.

+ Tám là, tập thể dục tại chỗ hàng ngày và tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

+ Chín là, yêu cầu nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm lại hoặc được hướng dẫn tự lấy mẫu tại nhà sau 7 ngày cách ly.

+ Mười là, người cách ly cần gọi điện báo ngay cho nhân viên y tế khi có dấu hiệu sau: sốt hơn 37,5 độ, ho, đau họng, tiêu chảy hoặc khi thấy hơi thở ngắn lại, khó thở. Điều kiện để kiểm tra triệu chứng khó thở là không thể hít vào nín thở đủ 10 giây. Khi có triệu chứng này cần báo ngay nhân viên y tế để có sự hỗ trợ kịp thời.

Tác giả: Thạch Thảo