Bác sĩ Trương Hữu Khanh chỉ rõ: Không phải ô thông gió, đây mới là nơi dễ lây lan Covid-19 nhất ở chung cư

( PHUNUTODAY ) - Bác sĩ Khanh nói về những nơi ở chung cư dễ lây lan virus SARS-CoV-2.

Hiện vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh virus Covid-19 lan truyền qua hệ thống thông gió trung tâm hay giếng trời tòa nhà chung cư, tuuy nhiên, cư dân sống ở chung cư vẫn lo ngại rằng, chủng mới Delta của virus Covid-19 có thể lây truyền theo không khí.

Nói về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, khó có chuyện virus Covid-19 qua hệ thống thông gió ở chung cư. 

Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Hiện nay, việc lây nhiễm SARS-CoV để mắc bệnh Covid-19 vẫn là lây qua giọt bắn và vừa rồi có ý kiến virus có thể lây qua không khí. Virus lây qua giọt bắn rất nhỏ (dịch hầu họng, nước bọt của người mắc bệnh) và có thể lơ lửng trong không khí. Trong môi trường kín, điều hòa, virus dễ phát tán gây lây lan mạnh hơn.

Ảnh minh họa

Nếu hệ thống thông gió thẳng và chỉ hút khí từ các nhà và đường ống sau đó đưa thẳng lên trời và hút lên, không khí từ nhà nọ không chuyển động vào nhà kia thì virus cũng không thể từ nhà nọ sang nhà kia, nên không thể lây lan qua đường thông gió.

Trên thực tế, virus chỉ lây lan nếu như gió thông thẳng một không gian nào đó mà người khác lại đi vào. Chẳng hạn đường thông gió nhưng lại thông vào hành lang chung cư hay một khu vực kín, người khác vào đó hít phải. Virus có thể lây từ nhà nọ sang nhà kia theo đường không khí nhưng hiện nay đường thông khí ở các khu chung cư không thiết kế thông từ nhà nọ sang nhà kia nên virus không thể lây lan qua hệ thống này.

Bác sĩ Khanh cho rằng những nơi ở chung cư dễ lây lan virus gồm những hành lang hẹp thường đóng kín cửa, tay nắm cửa và thang máy.

“Khi đi ra ngoài phải nghĩ mình có thể tiếp xúc với virus thông qua mũi và họng. Cũng có thể tiếp xúc gián tiếp với virus qua bàn tay của mình.

Cho nên, khi đi ra khỏi cửa, nơi hành lang thì phải vắng người mới đi. Đồng thời, phải mang khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Khi đi bất cứ chỗ nào cũng phải cầm theo chai nước rửa tay, nếu cầm nắm vào vật gì đó phải sử dụng ngay nước rửa tay”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho hay, cư dân nên đề nghị với ban quản lý chung cư mở quạt thang máy theo hướng từ trên xuống dưới, không được mở máy lạnh.

Hạn chế đi thang máy lúc đông người. Sau khi bấm nút mở thang máy, cửa thang mở ra thì cư dân không nên đi vào ngay mà đợi cho luồng gió trong thang được đẩy hết ra ngoài.

Trong thời điểm phải sống chung với dịch bệnh như hiện hay, bác sĩ Khanh cho rằng người dân sống ở chung cư đừng nên quá căng thẳng về điều đó. Đặc biệt, không được lơ là đối với vùng tay và miệng khi đi ra ngoài hoặc trong thang máy.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các chung cư, Ban quản lý chung cư khuyến nghị cư dân nên đóng cửa nhà vệ sinh cả khi không sử dụng, mở quạt hút từ 5 – 10 phút trước khi mở cửa vào.

“Nhưng nếu cư dân còn lo ngại thì cứ sử dụng quạt để thổi gió ngược ra hoặc treo đèn tia cực tím ở khu vực thông gió. Ở trong nhà thì để quạt thổi ra ngoài, lấy gió từ cửa sổ”, bác sĩ Khanh tư vấn.

Để hạn chế lây lan virus giữa các căn hộ, ban quản lý lưu ý nên định kỳ hàng tuần đổ ít nước vào các phễu thoát sàn khu vực logia, sàn nhà vệ sinh… nhằm ngăn hơi và mùi hôi từ đường ống thoát trục chính không xâm nhập vào căn hộ. Ngoài ra, cư dân cũng nên hạn chế mở cửa khu vực ban công và logia.

Tác giả: Vũ Ngọc