Bài toán gây lú: "Bác Ba mua ngựa 60 đô- bán 70 - mua lại 80- bán tiếp 90. Hỏi bác lãi hay lỗ?"

( PHUNUTODAY ) - Bạn thử tính xem bác Ba lãi hay lỗ nếu mua và bán như trên nhé!

Toán học có tính ứng dụng rất cao, nhưng luôn được biết đến là một môn khó trong cuộc đời học sinh. Nếu Toán cấp 3 đã khiến nhiều học trò "gục ngã" thì Toán kinh tế ở cấp đại học lại càng khiến nhiều người "khóc dở chết dở" để qua môn.

Bởi không chỉ đơn giản là cộng trừ nhân chia, tính diện tích hình hay đoán quy luật bài Toán mà nó còn đánh đố bởi các quy luật trong kinh tế: lãi hay lỗ, mất bao nhiêu phần trăm bù trừ cho công sức nuôi tạo sản phẩm... Và bài toán dưới đây đã khiến bao người đau đầu tính toán mà vẫn không ra đáp án:

"Bác Ba mua ngựa giá 60 đô. Bác Ba bán được 70 đô. Bác Ba mua lại con ngựa đó giá 80 đô rồi lại bán được giá 90 đô. Vậy hỏi bác Ba kiếm lời hay lỗ, rồi bác có hòa vốn không?".

Quả nhiên bài Toán kinh tế này đã tạo nên cuộc tranh cãi nảy lửa về việc lời - lỗ - hòa vốn. Người thì cho bác Ba đã lãi được 20-30 đô, người thì cho hòa vốn, người lại bình luận rằng bác Ba lỗ 10 đô thậm chí còn mất tiền rất nhiều.

Về kết quả hòa vốn, bạn Thành Long phân tích: "Đáp án là bằng nhau. Bán giá 70 tức là lãi 10, nhưng rồi lại phải vay thêm 10 để mua với 80. Bán tiếp 90, nhưng kiếm được 10 thì phải trả lại 10 đã vay, nên kết quả là huề vốn".

Bạn Tiến Dương cho kết quả lãi 30 đô lại giải thích: "Lúc đầu bác mua ngựa giá 60, lúc cuối bán được 90. Dù vay mượn trong quá trình thế nào thì đến cuối vẫn nhận được tiền như vậy, suy ra bác đã lãi: 90 - 60 = 30 đô".

Vậy kết quả cuối cùng là lỗ, lãi hay huề vốn? Đáp án đúng nhất theo Toán học là lãi 20 đô! Và để làm cái này, bạn nên bỏ đi những sự tính toán phức tạp mà giải theo 2 cách dưới đây:

Cách 1: Đừng quan tâm đến khoản tiền vay. Chỉ biết khoản tiền đầu tư của ông được chia ra như sau:

Mua 60 bán 70 => Lãi: 70 - 60 = 10.

Mua 80 bán 90 => Lãi: 90 - 80 = 10.

Tổng lãi 2 đợt là: 10 + 10 = 20.

Cách 2: Người bác ban đầu có 60 đô. Đến lúc cuối, ông có 90 đô, trừ đi 10 đô đã vay thì còn lại 80 đô. Như vậy đáp án đúng là: 80 - 60 = 20 => ông lãi 20 đô.

Nhưng đó chỉ là kết quả trên Toán học thôi! Thực tế trong đời sống, bài toán còn phức tạp hơn nhiều khi phải tính giá trị hao mòn dựa trên số lần bán con ngựa, tiền chăn nuôi, công chăm sóc, chất lượng thịt ngựa, thị trường và biến động giá từng thời điểm... Nghe đã thấy siêu phức tạp rồi.

"Kết quả 20 chỉ là trên máy tính thôi, chứ nếu muốn tính đúng thì hãy nâng cao lên tí nè: Cũng bài Toán như vậy, ta thêm vào chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) hàng năm là 3%. Thời điểm bán con ngựa lần 1 là cuối năm thứ 5 so với lúc mua lần 1, thời điểm bán con ngựa lần thứ 2 cũng là cuối năm thứ 5 so với lần mua thứ 2. Thế là lời hãy lỗ".

"Bài Toán thì lời nhưng e là ngoài đời bác Ba lỗ nhiều rồi. Lỗ thời gian, lỗ công sức... Nếu định bán lấy tiền nhiều lần thì sao bác không nuôi lớn đến khi nó được giá có khi còn hơn 90-100 đô. Dân kinh tế là phải quan trọng thời cơ và tầm nhìn, đây người ta gọi là bác đã bị lỗ trên đồng lãi", bạn Khánh Trần phân tích.

Bạn Thanh Nhàn bình luận: "Theo mình: Để biết câu trả lời cuối cùng thì cần biết thêm giá để mua lại con ngựa đó ở thời điểm bán lần cuối kia (bán với giá 90 đô) - áp dụng nguyên tắc bảo toàn tài sản về mặt hiện vật để tính toán lãi lỗ, tránh tình trạng lãi giả - lỗ thật (theo môn Quản trị chi phí Kinh doanh)".

Còn bạn, bạn thấy bác Ba lỗ - lời hay hòa vốn?

Tác giả: Thạch Thảo