Ban đêm không phải cứ bật điều hòa 29 độ là tiết kiệm điện, ấn nút này giúp giảm nửa tiền điện mỗi tháng

( PHUNUTODAY ) - Để tiết kiệm điệm, ngoài việc điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp, bạn còn cần quan tâm đến các chế độ cài đặt khác.

Ban đêm bật điều hòa bao nhiêu độ?

Khi thời tiết nắng nóng, việc sử dụng điều hòa vào ban đêm trở nên cần thiết hơn, giúp giảm nhiệt độ trong phòng, mang lại cảm giác thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ. Khi bật điều hòa vào ban đêm, nhiều người sẽ quan tâm đến việc đặt nhiệt độ bao nhiêu cho phù hợp, vừa đủ mát lại vừa tiết kiệm điện. Có người cho rằng nên để điều hòa 26 độ, có ngườ lại nói phải để 28-29 độ mới tiết kiệm điện. Vậy con số nào mới đúng?

Về lý thuyết, các chuyên gia khuyến nghị nên để nhiệt độ điều hòa trên mức 26 độ C. Sau mốc này, cứ tăng lên một độ thì có thể giảm 7-10% điện năng tiêu thụ. Theo đó, mức 28-29 độ chắc chắn sẽ tiết kiệm điện hơn 26 độ.

Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa còn liên quan đến cảm nhận của từng người. Đối với một số người, mức 28-29 độ là đủ mát nhưng cũng có người sẽ thấy nóng và phải để nhiệt độ thấp hơn. Vì thế, về cơ bản, bạn không cần phải gò bó để điều hòa ở 28-29 độ mà chỉ cần để mức nhiệt độ phù hợp với cảm nhận của bản thân, cứ trên mức 26 độ C là đã góp phần tiết kiệm điện năng.

Không nhất thiết lúc nào cũng phải để điều hòa ở mức 28-29 độ C để tiết kiệm điện mà có thể điều chỉnh lại nhiệt độ theo cảm nhận khi sử dụng.

Không nên để nhiệt độ điều hòa dưới 20 độ C. Mức nhiệt này vừa khiến thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng vừa tạo ra sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời, có thể gây ra sốc nhiệt khi di chuyển giữa hai môi trường, dẫn tới ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.

Để tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa vào ban đêm, bạn hãy chú ý những điều sau.

Chọn chế độ Sleep

Trên điều hòa sẽ có một chế độ đặc biệt phù hợp để sử dụng trong lúc ngủ. Đó chính là chế độ Sleep. Sau khi đã chọn mức nhiệt độ phù hợp với bản thân, người dùng có thể chọn thêm chế độ Sleep để điều hòa tự điều chỉnh lại nhiệt độ của phòng sau một khoảng thời gian nhất định.

Cụ thể, sau khoảng 1 tiếng hoạt động, điều hòa sẽ tự động tăng thêm 1 độ C so với thiết lập ban đầu. Sau đó, điều hòa sẽ tiếp tục tăng thêm 2 độ trong quá trình hoạt động và duy trì mức nhiệt đó cho đến khi bạn thay đổi cài đặt hoặc tắt điều hòa. Như vậy, nhiệt độ trong phòng sẽ không bị chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời.

Một số chế độ giúp tiết kiệm điện trên điều hòa.

Sử dụng chế độ ECO

Nhiều điều hòa hiện nay có chế độ ECO (hoặc ECONO hoặc E-saving) - hiểu đơn giản chính là chế độ tiết kiệm điện. Chế độ này chỉ hoạt động nếu người dùng chọn mức nhiệt độ trên 24 độ C. Nếu cài đặt nhiệt độ thấp hơn 24 độ C, điều hòa sẽ hoạt động bình thường.

Khi chọn chế độ ECO, công suất máy nén sẽ được giới hạn ở mức 70%. Để tối ưu hiệu quả làm mát, người dùng có thể bật điều hòa ở chế độ bình thường khoảng 5-10 phút để làm mát không khí trong phòng trước, sau đó mới chọn chế độ ECO để duy trì hiệu quả làm mát và tiết kiệm điện.

Ngoài ra, chế độ ECO thường sẽ tự động ngắt sau 8 tiếng hoạt động. Người dùng có thể hẹn giờ tắt cho thiết bị để tối ưu hiệu quả sử dụng hoặc tự kích hoạt lại chế độ ECO nếu muốn sử dụng tiếp.

Lưu ý, chế độ ECO này thường chỉ có trên các dòng điều hòa mới. Điều hòa loại cũ và không có công nghệ Inverter sẽ không có chế độ tiết kiệm điện này.

Tác giả: Thanh Huyền