Bật điều hòa 29 độ chuyên gia lắc đầu: Đây mới là chế độ tiết kiệm nhất, giúp máy chạy 10 năm vẫn bền

( PHUNUTODAY ) - Khi sử dụng điều hòa, bạn cần chú ý tới một số điều sau để máy bền, tiết kiệm điện tối đa.

Ngày hè nắng nóng, việc sử dụng điều hòa sẽ mang lại sự mát mẻ, thoải mái. Tuy nhiên nếu sử dụng sai cách dễ khiến điện năng tiêu tốn.

Theo một số khuyến nghị, nhiệt độ điều hòa không khí từ 26 độ C trở lên là mức giúp tiết kiệm năng lượng. Sau đó cứ tăng lên mỗi độ có thể giảm tải điện từ 7-10%.

Vì vậy, một số người sẽ để điều hòa 29 độ C vào ban đêm cho tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, việc này không hoàn toàn đúng.

Mỗi người có khả năng cảm nhận nhiệt độ khác nhau. Có người cảm thấy 29 độ C là nóng cũng có người thấy như vậy là lạnh. Vì thế, bạn không nhất thiết phải để điều hòa ở mức 29 độ C mà nên điều chỉnh cho phù hợp với cảm nhận của bản thân, chỉ cần trên 26 độ C là được.

Lưu ý, không nên để nhiệt độ dưới 20 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên trong và bên ngoài phòng sẽ gây hại cho sức khỏe. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nhiệt độ cài đặt thích hợp với sức khỏe của chúng ta là 25-28 độ C.

Tuy nhiên, đối với trong phòng có trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các bạn nên cài nhiệt độ từ 28 đến 30 độ C. Vì để lạnh sâu sẽ khiến các bé dễ ho, viêm họng.

Nên dùng điều hòa bao nhiêu tiếng mỗi ngày?

Tần suất sử dụng điều hòa phụ thuộc vào điều kiện thời tiết bên ngoài. Trong những ngày oi bức, nhiệt độ ngoài trời có thể lên trên 40 độ C, bạn có thể bật điều hòa 15-20 tiếng/ngày. Vào những ngày mát hơn, thời gian sử dụng điều hòa có thể giảm xuống 8-10 tiếng, tùy vào điều kiện.

Việc để điều hòa chạy 24/24 có thể khiến tuổi thọ của máy bị giảm và cũng có thể tăng nguy cơ chập điện, cháy nổ.

Chúng ta nên tranh thủ thời điểm không khí dịu mát như vào sáng sớm hoặc chiều tối, những lúc có mưa dông để tắt điều hòa cho máy nghỉ.

Ngoài ra, việc dùng điều hòa liên tục cũng không tốt cho sức khỏe của người lớn và trẻ nhỏ.

Không đóng phòng kín mít cả ngày để dùng điều hòa

Ai cũng cho rằng phải đóng kín phòng cả ngày để giữ cho phòng mát mẻ, không làm khí nóng bên ngoài tràn vào, khí lạnh bên trong tràn ra để tiết kiệm điện khi dùng điều hòa.

Tuy nhiên, ở trong phòng điều hòa đóng kín, không có lỗ thông gió hay quạt thông kín, bạn có thể bị nhiễm khuẩn do tích tụ quá nhiều khí carbonic do không khí trong phòng không được làm mới.

Theo Nhịp sống Việt, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra lời khuyên, chúng ta nên mở cửa 1-2 tiếng mỗi lần hoặc sử dụng quạt thông gió để lấy không khí tươi mới ở bên ngoài vào trong phòng, tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn ngay ở trong nhà.

Tác giả: Thạch Thảo