1. Mắm nêm thịt luộc
Một đặc sản của Đà Nẵng ăn kèm với bánh tráng thịt lợn luộc và bún phải kể đến mắm nêm. Mắm nêm hay còn gọi là mắm cái một loại gia vị mặn quen thuộc ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Để có một bát mắm nêm như ý, bạn hãy làm theo các bước sau:
Bạn cần chuẩn bị:
- Dứa (thơm): 1/4 quả - Tỏi ớt băm nhuyễn
- Đường: 2 muỗng canh - Chanh: 1 quả
- Và đương nhiên không thể thiếu mắm nêm.
Cách pha:
- Bạn thái nhỏ dứa rồi cho vào xay nhuyễn.
- Trộn đều tỏi ớt đã băm nhuyễn + dứa xay + mắm nêm + 1 – 2 thìa đường (tùy theo vị ngọt của dứa). Sau đó cho thêm một thìa nước cốt chanh là bạn đã có một bát chấm mắm nêm thịt lợn luộc như ý rồi.
Mắm nêm pha chấm thịt luộc với màu sắc vô cùng bắt mắt và hương thơm cực hấp dẫn sẽ là loại nước chấm ưa thích của cả nhà bạn.
2. Nước mắm tỏi ớt
Khi nhắc đến thịt lợn luộc thì không thể không nhắc đến một loại nước chấm phổ biến là nước mắm tỏi ớt. Hãy làm theo cách sau để có một bát nước chấm ngon, đẹp mắt và hợp với gia đình nhé!
Bạn cần chuẩn bị:
- Nước mắm loại ngon: 1 muỗng canh - Nước cốt chanh: 1 muỗng canh
- Đường: 1 muỗng canh - Nước lọc: 4 muỗng canh
- Tỏi, ớt băm
Cách pha nước mắm tỏi ớt:
- Bạn cho 4 muỗng canh nước lọc vào 1 muỗng canh đường, khuấy đều đến khi đường tan hết. Sau đó bạn cho 1 muỗng canh nước mắm và 1 muỗng canh nước cốt chanh vào trộn đều.
- Để tỏi ớt không bị chìm, bạn cho tỏi và ớt băm vào cuối cùng và trộng đều lên là đã hoàn thành một bát nước chấm tỏi ớt vô cũng hấp dẫn rồi.
Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã có một bát nước chấm chua chua, ngọt ngọt cùng vị cay the the đậm đà cùng với màu sắc đặc trưng, đẹp mắt.
3. Mắm tôm
Nếu bạn là người yêu thích mắm tôm thì công thức dưới đây sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho bạn.
Bạn cần chuẩn bị:
- Mắm tôm: 2 muỗng canh (Mắm tôm chọn loại nguyên chất có màu tím qủa sim chín, mịn, có mùi thơm đặc trưng)
- Đường: 1 muỗng canh - Chanh: 1/2 quả
- Ớt băm nhỏ - Rượu trắng: 1/2 thìa cafe
- Hành tím băm nhuyễn - Dầu ăn
Cách pha:
- Bạn cho mắm tôm vào một bát nhỏ, cùng với nước cốt chanh, đường và rượu vào khuấy đều cho đến khi mắm tôm sủi bọt tăm là được.
- Đặt dầu ăn lên bếp, cho dầu ăn vào đợi dầu nóng lên thì cho hành tím đã được băm nhuyễn vào phi vàng.
- Sau đó đổ hỗn hợp mắm tôm lúc nãy vào đun nóng lên và đổ ra bát. Cuối cùng, bạn chỉ cần cho ớt đã băm nhỏ đặt lên trên trông vô cùng đẹp mắt.
Chỉ với vài bước đơn giản là đã có thể hoàn thành bát mắm tôm thơm ngon, với hương vị đặc trưng quyến rũ.
4. Mắm tép
Nếu bạn không thể chịu mùi hương hơi nồng đặc trưng của mắm tôm, bạn có thể thử mắm tép cũng vô cùng ngon khi ăn với thịt lợn luộc.
Bạn cần chuẩn bị:
- Mắm tép: 3 muỗng canh - Đường: 1 muỗng canh
- Nước cốt chanh: 1 muỗng canh - Hành tím, tỏi, ớt băm nhỏ
- Hạt nêm, dầu ăn
Cách pha:
- Bạn cho mắm tép cùng đường, nước cốt chanh khuấy đều.
- Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi đợi dầu nóng. Sau đó, cho hành tím, tỏi đã băm nhỏ vào phi thơm.
- Sau đó bạn đổ hỗn hợp mắm tép lúc nãy vào khuấy đều, đun lửa nhỏ trong vài phút.
- Cuối cùng nêm hạt nêm, thêm ớt (tùy khẩu vị) tắt bếp.
Nước chấm mắm tép vàng đượm, vị mặn ngọt chua cay hài hòa rất đưa miệng.
5. Mắm tôm chua xứ Huế
Nhìn vào tên bạn có thể biết ngay đây là đặc sản của vùng đất mộng mơ xứ Huế. Bạn có thể dễ dàng làm nước chấm này tại nhà với công thức sau, và có thể bảo quản để ăn dần.
Bạn cần chuẩn bị:
- Tôm tươi: 1kg (nên chọn tôm bạc đất sẽ ngon hơn)
- Bột gạo nếp: 2 muỗng canh - Riềng: 150g
- Tỏi: 50gr - Ớt: 50gr
- Rượu trắng ngon: 1 chén - Lá ổi non
- Nẹp tre mỏng và một số gia vị cần thiết. - Lọ nhựa/lọ thủy tinh
Cách làm:
- Sơ chế nguyên liệu:
+ Riềng gọt vỏ, rửa sạch, sau đó thái sợi nhỏ và ngâm với nước muối pha loãng cho riềng có màu trắng đẹp.
+Tỏi bóc sạch vỏ, thái lát mỏng.
+ Ớt bỏ hạt, thái lát thành miếng.
+ Tôm đem rửa sạch, bỏ đầu, rút chỉ đen ở lưng tôm. Sau đó, đổ rượu trắng vào ngấm tôm trong khoảng 30 phút thì vớt ra để ráo.
+ Đun 2 thìa bột nếp với 200 ml nước đến khi hỗn hợp chuyển sang màu trong, sệt lại thì tắt bếp để nguội.
- Tẩm ướp gia vị: Cho tôm vào một chiếc tô to, sau đó bạn cho riềng, tỏi, ớt đã sơ chế sạch vào, cùng với 2 thìa đường, 2 thìa muối, sau đó trộn đều. Tiếp theo bạn cho phần bột nếp đã được nấu chín vào trộn một lượt nữa.
- Bạn xếp tôm lần lượt vào lọ nhựa hoặc thủy tinh, lớp trên cùng phủ một lớp lá ổi non, sau đó bạn có thể dùng nẹp tre hoặc vỉ để ép nguyên liệu không bị nổi lên.
- Đem hũ tôm vừa hoàn thành ra ngoài nắng phơi từ 5 đến 7 ngày. Tùy vào khẩu vị, bạn có thể cho tôm chua nhiều hoặc ít. Nếu thử thấy vị tôm đã như ý, bạn đem vào nơi mát để bảo quản hoặc có thể cất tủ lạnh ăn dần.
Vị ngon ngọt của từng miếng thịt luộc hòa quyện với vị thơm nồng đặc trưng của mắm tôm chua chắc chắn sẽ khiến bữa cơm gia đình của bạn thơm ngon hơn bao giờ hết.
Tác giả: Minh Hằng
-
Thịt lợn luộc mãi vẫn hồng đỏ: Không phải chưa chín hay thịt có vấn đề, nguồn nước nhà bạn đang nhiễm khuẩn mạnh
-
Nhiều người không biết thường bỏ 3 loại gia vị này vào luộc thịt lợn, bảo sao thịt khô, mất chất
-
Luộc thịt lợn cho 2 gia vị này đảm bảo ngon, mềm, thịt trắng không bị hôi: 2 gia vị đó là gì?
-
Thịt lợn luộc chấm mắm ăn mãi cũng chán, đem chế biến thành món này "ngon quên sầu”
-
Thịt lợn luộc muốn trắng giòn, chín ngọt, nạc mỡ được dàn đều thì nhớ làm thêm bước này