Bé gái 2 tuổi tử vong do bệnh tay chân miệng

( PHUNUTODAY ) - Bé phát bệnh với các triệu chứng sốt cao liên tục, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, quấy khóc và hay giật mình vào ban đêm.

Chiều 19/11, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đắk Lắk, cho biết trên địa bàn vừa xảy ra trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân là cháu Êban Lý My Anh (25 tháng tuổi, ngụ thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông).

Bé My Anh phát bệnh từ ngày 12/11 với các triệu chứng sốt cao liên tục, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, quấy khóc và hay giật mình vào ban đêm. Thấy vậy, gia đình tự mua thuốc chữa trị cho cháu My Anh nhưng không đỡ.

Bé My Anh xuất hiện  các triệu chứng sốt cao liên tục, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, quấy khóc và hay giật mình vào ban đêm.

Ngày 15/11, gia đình đưa cháu My Anh đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu My Anh mắc bệnh tay chân miệng phân độ 2B, nhóm 1.

Đến ngày 16/11, cháu My Anh trở bệnh nặng độ 4, nằm li bì, môi tím, da tái nhợt, nhịp thở không đều. Thậm chí, bệnh nhi còn có cơn ngừng thở ngắn, trương lực cơ giảm.

Bé được chuyển viện xuống TP.HCM chữa trị nhưng đã tử vong trên đường. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cháu My Anh thì cho kết quả dương tính với Enterovirus 71 (EV71 là chủng virus gây ra đến 80% các biến chứng nặng ở trẻ bị bệnh tay chân miệng).

Bác sĩ Lào cho biết sau khi phát hiện sự việc trung tâm y tế dự phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng xuống trường mầm non cháu My Anh đang học để kiểm tra, thăm khám tất cả học sinh.

"Ngành y tế cũng tiến hành phun thuốc khử trùng tại trường học và nơi bệnh nhi sinh sống. Cho đến nay, chúng tôi chưa phát hiện thêm trường hợp tương tự", bác sĩ Lào nói.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng:

Các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng (Ảnh minh họa).

Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…

- Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.

Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

- Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể gây ra biếng chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Vì vậy, khi phát hiện những biểu hiện trên cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.

Tác giả: Vũ Thêm