Bẻ khớp ngón tay để giãn gân cốt: Tưởng vô hại nhưng gây ra 1 căn bệnh đáng sợ

( PHUNUTODAY ) - Bẻ khớp ngón tay có thể mang lại cảm giác thoải mái cho bạn. Tuy nhiên, thực hiện việc này thường xuyên liệu có gây ra tác hại nào cho sức khỏe hay không?

Bẻ khớp ngón tay là một hành động khá phổ biến. Ước tính có khoảng 25-45% người trên thế giới có thói quen này. Thông thường người ta hay bẻ khớp ngón tay khi cảm thấy tê mỏi. Khi làm động tác này, ngón tay sẽ phát ra tiếng kêu rắc rắc. Nguyên nhân là do giữa các đốt ngón tay có dịch khớp (chứa nitơ và carbon dioxide). Đây là một chất lỏng có tác dụng bôi trơn, giảm sự va chạm giữa các đoạn xương khi bạn vận động.

Việc bẻ khớp ngón tay (hoặc các bộ phận khác trên cơ thể) là do bong bóng nitơ nổ trong dịch khớp. Một số nghiên còn chỉ ra rằng tiếng rắc từ bẻ khớp tay còn do dịch khớp đổ vào các khoang trống.

Sau khi bẻ khớp ngón tay, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên một số người gặp phải tình trạng đau nhức. Nếu gặp hiện tượng này thì bạn nên lưu tâm vì đó là dấu hiệu cho thấy khớp xương đang gặp vấn đề.

Dù việc bẻ đốt ngón tay có thể mang đến sự thoải mái ngay lập tức như vậy về lâu dài nó lại gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Duy trì thói quen bẻ đốt ngón tay trong thời gian dài, cấu trúc xương sẽ tự thích nghi, các dây chằng xung quanh ngón tay cũng bị dãn dần ra và gây nên một số bệnh xương khớp. Một số trường hợp lực bẻ quá mạnh còn có thể khiến dây chằng bị giãn quá ngưỡng.

Ngoài ra, vặn bẻ đốt ngón tay với tần suất liên tục có thể làm gia tăng áp lực và sự cọ xát trên bề mặt khớp, làm mặt khớp bị hao mòn nhanh hơn, đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp. Trường hợp nặng có thể dẫn tới thoái hóa và viêm mặt sụn khớp, gây đau nhức.

Người thực hiện việc này trong một thời gian dài, khi tuổi càng cao càng dễ gặp các vấn đề về đau nhức khớp.

Để thư giãn các ngón tay và hạn chế tổn thương khớp, khi thấy tê mỏi, bạn chỉ nên cử động nhẹ nhàng để các khớp tay được thư giãn. Các chuyển động này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, mang lại cảm giác dễ chịu và tránh được những vi chấn thương cho sụn và khớp xương.

Tác giả: Thanh Huyền